lúc chưa muốn cười thì sao? Chẳng lẽ, phải “nặn” ra nụ cười à? Vậy làm
sao có thể lúc nào cũng cười được? Thưa, muốn như thế, phải tập. Có
những lúc nhìn vào mắt nhau, trong lòng bực bội quá, đang cáu gắt những
muốn quát lên một câu cho nhẹ lòng nhưng có người lại cười. Nhờ thế, mối
quan hệ đôi bên dần dà chuyển qua một gam màu khác, tươi sáng hơn. Khi
Chí Phèo vác dao đến nhà Bá Kiến những muốn rạch mặt ăn vạ, dù muốn
đằng đằng sát khí cho bõ tức, nhưng không, Bá Kiến vẫn nhẹ nhàng cười.
Thế là bao nhiêu hậm hực, “khí phách” của kẻ “bán trời không mời thiên
lôi” xẹp lép như bong bóng xì hơi.
Một nụ cười kịp thời, đã hóa giải được bao nhiêu chuyện “gay cấn” có
thể sấm vang chớp giật sẽ xảy ra trong tích tắc. Lúc ấy, những tưởng đôi
bên có thể nhảy vào ăn tươi nuốt sống, nhưng rồi, khi nhìn thấy nụ cười
trên môi “đối phương”, lòng lại dịu xuống.
Các bác sĩ là người đủ thẩm quyền và kiến thức phân tích ích lợi của
nụ cười, đại loại, có tác dụng tốt cho trí não, tim mạch, cung cấp ôxy cho
cơ thể, giải phóng suy nghĩ tiêu cực, giảm đau... Theo nhà văn Nam Cao:
“Khi người ta cáu, mặt người ta co rúm lại. Cổ người ta bị tắc. Máu tiết ra
chất độc. Có hại cho sức khỏe ghê lắm đấy! Nhưng nếu ngay lúc ấy người
ta cố mỉm cười một cái thì mọi sự tiêu tan hết. Mặt tươi ra. Có thoang
thoáng chất độc trong người theo hơi thở thoát ra ngoài hết. Người trẻ lại.
Nụ cười chính là một vị thuốc tiêu đàm, tẩy độc, lượng huyết và bổ tâm, bổ
phế, bổ tì, bổ vị, bổ can, bổ thận, chẳng cái gì không bổ. Tiên dược đấy. Nó
cải lão hoàn đồng rất mạnh”. Từ góc độ tâm lý, đừng tìm đâu xa, cứ đọc lại
ca dao sẽ thấy sự khôn khéo của ông bà ta. Ngày nọ, anh chồng đùng đùng
nổi giận, quát tháo ầm ĩ thì cô vợ vẫn nhẹ nhàng, không “tay đôi” hơn thua
“một mất một còn”:
Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười chúm chím: Thưa anh giận gì?
Thưa anh, anh giận em chi
Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho.
Nhìn “miệng cười chúm chím”, lạ thay bao nhiêu nỗi bực bội trong
lòng tiêu tan hết, cứ như u ám tan dần khi ánh nắng quang đãng đang rọi tới