dần! Vậy, để hằng ngày có được nụ cười, phải làm sao? Hãy tập cười. Tập
như thế nào? Hãy hỏi tự lòng mình. Có câu chuyện rằng, ngày nọ người
đàn ông có bộ mặt rầu rĩ như đưa đám, thiểu não bước vào phòng khám của
bác sĩ: “Thưa ngài, tôi không thể cười được. Xin chữa trị giúp tôi”. Sau khi
chẩn đoán, dò hỏi tâm lý... bác sĩ kết luận: “Anh nên tìm xem các tiết mục
biểu diễn của danh hài X, chắc chắc anh sẽ bật cười khoái trá”. Người đàn
ông rầu rĩ: “Danh hài X, là chính tôi đây”.
Lòng yên vui ắt có tiếng cười. Lòng an tịnh, khoan dung ắt trên môi
nụ cười tìm đến. Tôi không tin một người sống trong tâm trạng u uất, trầm
cảm, nhìn đâu cũng thấy sự bi quan, đáng ghét lại có thể cười. Muốn cười
được, trước hết phải tự mình quét sạch mây mù ấy đang cuồn cuộn trong
lòng. Chà, dễ dàng quá. Vâng, dễ dàng lắm nhưng không phải ai cũng ý
thức được điều đó. Có những lúc thay vì cười, họ lại quên béng đi mà chìa
ra cái bộ mặt đưa đám, cau có nên lời lẽ chì chiết cứ thế tuôn ra....
Có người bảo, cần gì phải tập cười. Đã từ rất lâu, ông Nguyễn Văn
Vĩnh đúc kết rằng, “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người
ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì;
quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”. Thưa,
cười kiểu ấy là cười giả lả, không thật lòng, chỉ muốn khỏa lấp sự việc mà
lẽ ra phải tranh cãi đến cùng đặng tìm ra chân lý của nó. Kiểu cười ấy, cách
cười ấy không cần thiết, cũng tựa như “chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy là
người vô duyên”.
Vậy thế nào là cười? Ai cũng có câu trả lời, tùy quan niệm mỗi người.
Với tôi, dù quan niệm thế nào thì phải tập cười, nghĩa là tập thay đổi cái
nhìn về thế giới chung quanh theo hướng tích cực hơn; tập tìm lấy sự tích
cực trong sự hỗn độn va chạm của mỗi ngày để có thể nở cười lạc quan và
yêu lấy cuộc đời.