vẫn sinh sống bằng nghề buôn bán trên biển. Khách buôn từ phương Bắc
đến giao thương nhiều nên dân quân đều mặc quần áo, đồ dùng rập theo
cách của họ. Khi duyệt quân ở các trang hộ, Trần Khánh Dư thấy vậy liền
ra lệnh: “Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc phương Bắc tràn
sang. Quân ta không nên đội nón của người phương Bắc, vì sợ khi có sự
vội vàng khó lòng phân biệt, vậy phải đội nón Ma Lôi, ai làm trái tất phải
phạt”.
Xin nói rõ, gọi nón Ma Lôi vì Ma Lôi là tên làng ở Hồng Lộ. Người ở
đây có tài khéo đan nón bằng trúc thanh bì nên lấy tên làng để gọi tên nón.
Trước đó, ông đã sai người nhà mua nón Ma Lôi chứa đầy thuyền, đậu ở
cửa sông. Sau khi hạ lệnh, ông sai thuộc hạ lẻn đi mách cho dân ở trang hộ
biết nơi có thuyền bán nón. Thiên hạ tranh nhau mua. Ban đầu giá chưa tới
một tiền, sau bán giá cao hơn, mỗi cái nón trị giá bằng một tấm vải.
Nhờ vậy, Trần Khánh Dư thu về được hàng ngàn tấm vải! Theo quan
niệm truyền thống ngày trước, thứ tự trong xã hội được xếp “sĩ, nông, công,
thương”, nghề buôn bán xếp sau cùng nhưng qua vụ bán nón Ma Lôi, Trần
Khánh Dư đã đi trước thời đại. Chuyện này, đáng lưu ý ở chỗ Trần Khánh
Dư “sai thuộc hạ lẻn đi mách cho dân”. Cách “rỉ tai” ấy, bây giờ vẫn chưa
lạc hậu trong kinh doanh. Chưa hết, trước đó, khi sa cơ thất chí, ông đã
dũng cảm chọn nghề kiếm sống mà thiên hạ cho hèn mọn: bán than. Chỉ có
người hèn, chứ chẳng có nghề nào hèn.
Bài học của cha ông ta từ hàng ngàn năm trước vẫn sáng ngời. Cần giữ
lại và phát huy những gì đã có trong tư duy của cha ông? Một câu hỏi
không chỉ dành cho những người trẻ đang khởi nghiệp, có đúng vậy không?