CHÍN BỎ LÀM MƯỜI
T
ha thứ một ai đó đã làm điều gì “không phải” với mình, điều này
khó hay dễ? Một khi căm ghét ai hễ gặp người đó, ta có thể mở miệng
cười? Có lẽ, chỉ những ai sống độc thân trong hang động, vị tiên tu luyện
nơi hang sâu núi thẳm mới không oán ghét ai và tránh được lỗi lầm. Chứ
“người trần mắt thịt” chúng ta không thể.
Mỗi một ngày, chỉ cần phóng xe xuống phố vào giờ cao điểm, không
chóng thì chày cũng có những va chạm khiến bực cả người. Xe chạy bình
thường, đang ngước mắt nhìn dòng đời ngược xuôi, bỗng đâu có kẻ phóng
xe rú còi inh ỏi như hú như hét như trêu như chọc! Bực bội chưa? Ngay tại
ngã tư, lúc đèn đỏ, theo ý thức tôn trọng giao thông, ta dừng lại thì bỗng
đâu từ phía sau/ phía trước một chiếc xe khác lao đến cái ầm! Tai nạn tự
nhiên như từ trên trơi rơi xuống, né tránh làm sao? Ta có thể tha thứ lỗi lầm
người đó không?
Sự bực bội, căm ghét, oán thù là một trong những “thuộc tính” của con
người ta. Vì lẽ đó, có những điều tưởng rằng dễ dàng thực hiện nhưng cực
khó. Khó không khác gì lạc đà chui qua lỗ kim - như một câu quen thuộc
trong Kinh Thánh. Có một câu nữa mà tôi còn nhớ loáng thoáng rằng: “Nếu
không trở nên như trẻ thơ, thì ngươi sẽ không được lên nước Thiên Đàng”.
Ai cũng có cách lý giải cho riêng mình, riêng tôi nghĩ, ở trẻ thơ không có
sự tị hiềm, tâm hồn như lá biếc, tâm tính hồn nhiên, vô tư nên bao giờ cũng
nhìn nhận sự vật một cách mới mẻ và hào hứng khám phá. Nói cách khác,
ở đó không có chỗ cho sự định kiến, đánh giá theo quán tính. Mà than ôi,
những người lớn chưa chắc được như thế. Nói theo đạo Phật, cái “chấp”
trong lòng mỗi chúng ta còn nặng nề lắm.