nghe. Có khi Bính vào trễ, cửa đã cài then thì Bính ngồi ngoài hiên cho tới
khuya mới về mà không dám gọi cửa. Bính nói:“Ngồi trong đêm sương
khuya, nghe trộm tiếng người ngọc đọc sách cách một lần cửa đóng kín,
cũng có một thú vị riêng”. Nhưng rồi, Nguyễn Bính lại tiếp tục viễn du,
chia tay với Tú Ngọc:
Nàng ra bờ sông đứng khóc mãi
Tàu đi xa mấy dặm sông dài
Ngoảnh lại vẫn còn tay Ngọc vẫy
Người ở những mong ngày gặp nhau
Kẻ đi biết khó kỳ quay lại
Đúng vậy, Nguyễn Bính không còn gặp lại người con gái mà ông từng
ký bút danh “Người Yêu Ngọc”.
Nhưng có lẽ “ầm ĩ” nhất vẫn là chuyến đi của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn.
Trong một phút cao hứng, chàng họa sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông
Dương đã đưa cả bầu đoàn thê tử, rủ thêm hai người bạn nữa lên nhà xe Mê
Ly đi khắp Đông Dương để vẽ tranh, triển lãm, kể chuyện, ngâm thơ, diễn
kịch... Chuyến đi này được văn nghệ sĩ tiễn đưa khá đông, Nguyễn Bính có
tặng mấy câu thơ, họ xuất phát từ Hà Nội năm 1941 nhưng đến năm 1944
thì “quy cố hương” bởi chiến tranh thế giới đang nổ ra...
Có nhà thơ nổi tiếng với “say” và “tiên nâu” những tưởng sẽ rất yếu
đuối, thế mà chàng cũng làm một chuyến “giang hồ vặt” hay ra phết.
Khoảng năm 1942, Vũ Hoàng Chương, Tô Hoài và Nguyễn Bính “viễn du”
lên Bắc Giang để thăm nhà thơ Bàng Bá Lân. Trong chuyến đi này ông
“Say” với ông “Lỡ bước sang ngang” đã có được bài thơ liên hoàn:
Tô Hoài, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương,
Còi thét vào ga Phủ Lạng Thương.
Sở tại bàng quan chầu xuống xóm,
Thi nhân bá ngọ chuyến lên đường.
Dòng trong dòng đục thêm ngao ngán,
Chùm chín chùm xanh uổng vấn vương.
Nằm muỗi qua đêm chờ sáng dậy,
Còi xe phong hỏa xé màn sương.