hương, ông viết sau đấy mấy năm rằng: “Tôi không còn có thái độ ở ẩn có
phần kỳ quặc của Camenzind; trong quá trình vận động của mình, tôi
không tránh được những vấn đề thời đại mình và không hề sống trong tháp
ngà như các nhà phê bình nghĩ từ một quan điểm chính trị. Nhưng quan
trọng hơn, điều bức thiết hơn đối với tôi không phải là những vấn đề thuộc
về nhà nước, về xã hội hay tôn giáo, mà là con người được biệt lập, là nhân
cách, là cá thể”. Người ta không thể tóm tắt hay hơn những cái cốt lõi của
một sự nghiệp và một tư duy đã đặt sự phát triển của cá nhân vào địa vị
trung tâm của những quan tâm của mình.
Sinh năm 1877, thời hoàng đế William khi nước Phổ bước vào hàng ngũ
các cường quốc, Hesse đã chịu đựng nhiều trong cái xã hội áp bức đó
nhưng ông đã không làm công việc phê bình lịch sử và chính trị. Dưới bánh
xe xuất bản năm 1906 miêu tả cái thế giới mà những cá nhân được đưa vào
những chiếc cối xay của một nền giáo dục hà khắc, nơi mà tuổi vị thành
niên bị biếm nhục. Khi tác phẩm Demian xuất hiện vào năm 1919, Thomas
Mann đã nói đến cái “hiệu quả như điện giật” của cuốn sách đối với các thế
hệ trẻ sau chiến tranh giống như tác động của cuốn Werther của Goethe.
Sự bào chữa cho phi bạo lực
Những tác phẩm của Hesse thường nói đến tuổi trẻ và tuổi thiếu niên, lứa
tuổi tượng trưng cho những nghi vấn lớn, những do dự lớn, những sự lựa
chọn. Rất nhanh Hermann Hesse đã có những chọn lựa của mình. Khi nước
Đức tham chiến năm 1914, ông đã tránh xa. Ông rút sang Thụy Sĩ và làm
việc cho một tổ chức y tế. Ông viết: “đối với những kẻ yêu nước, tôi là một
con lợn, đối với những nhà cách mạng, là một tên tư sản phản động”.
Ngày 3 tháng Giêng năm 1917, ông viết: “Người ta cười những người viện
lý do tôn giáo hay chính trị để tránh việc nhập ngũ. Theo tôi, họ là dấu hiệu
quý báu nhất của thời đại chúng ta, ngay cả khi mỗi người, nhìn riêng rẽ mà
nói, được đặt trước những động cơ kỳ quái… người ta phải đưa lại cho
những ai từ chối quân dịch bằng những lý do đạo lý cái khả năng làm một