Riêng về con người của La Fontaine, một trong những chân dung tuyệt vời
nhất về ông là của Mlle de Scudéry trong cuốn tiểu thuyết Le Clélie mà ông
xuất hiện dưới cái thác danh là Anacréon. Cả trước khi ông xuất bản Truyện
Ngụ Ngôn, đây đã là những nét cơ bản về tính cách của ông: “Nhạy cảm
với mọi sinh thú không trừ cái gì”. Cái mà ông thích nhất là những cuộc tụ
hội của “dăm sáu bè bạn, không có công chuyện mà cũng không có ưu
phiền”, và giữa họ với nhau là việc “trò chuyện tự do, tào lao và vui thích”,
và xen vào đó là những khúc hát nhẹ nhàng, nghe nhạc và ít phút dạo chơi.
Ông còn là nhà thơ trong sáng. Một trong những điều ám ảnh ông nhiều là
“sự phiền muộn”. Nghệ thuật được tạo ra để cho chúng ta bớt đi những nỗi
buồn chán, dù là chút ít. Phiền muộn là cái cảm giác nặng nề u ám của một
thế giới không âm nhạc. Theo nghĩa đó, La Fontaine là một nhà thơ hiện
đại. Ông hình dung trước sự phân cực mang chất Baudelaire giữa thế giới
ca hát của văn học và sự phiền muộn mà nó muốn xua đuổi đi.
Chính vì thế việc nghiên cứu La Fontaine không phải là việc chơi đồ cổ.
Thế kỷ XVII làm bối cảnh cho những nhà văn lãng mạn lớn của Pháp. Nó
mở đường cho người ta tìm hiểu các tác giả của thế kỷ XIXvà tuyệt tác của
Alexandre Dumas, bộ tiểu thuyết 3 tập Ba người lính ngự lâm, đấy là cả
một biển thơ và chất liệu lịch sử. Người ta tìm thấy trong thơ của
Baudelaire tất cả những gì làm vang vọng làn thơ ca ba-rốc, và để đến với
Proust, cần phải thấy ra rằng ở những tầng sâu thẳm nhất của Đi tìm thời
gian đã mất là Mme de Sévigné, Saint-Simon, Nữ Công tước
Guermantes… Là một nhà thơ lớn của hoài niệm, Proust nhìn thấy tất cả
mọi giai đoạn của một nền văn hóa, và thế kỷ XVII là điểm tựa cơ bản nhất
cho những suy tưởng của ông.
Một trong những tấn kịch của thời đại chúng ta là phải sống trên bề mặt của
chính mình và của người khác. Cần phải làm tất cả để đánh thức ký ức để
nhận biết cái chiều thứ tư là thời gian của hồi tưởng. Bởi thế La Fontaine là
một nhà văn đang sống và đang hoạt động.