tác phẩm mới nhất của ông, ngay cả chữ HẾT xem ra cũng đã được bàn tay
ảo thuật của ông chạm vào. Rõ ràng ông đã viết truyện này như một kẻ
luyện ngôn từ dưới tác động của tài năng và niềm cảm hứng.
Ông cụ thân sinh của nhà văn mất cách đây ít lâu ở tuổi 84. Marquez đã tự
thú nhận là cái chết của người cha đã để lại cho ông một ấn tượng mãnh
liệt. Không nghi ngờ gì, tuổi già đã đến gần. Cần phải làm việc gấp hơn.
Cần phải có một tuổi già có ích “Một trăm tuổi tôi còn có ích nếu tôi còn
viết”, Marquez đã nói thế. “Đề tài của tôi là cuộc đời này và tôi càng sống
lâu thì đề tài càng mở rộng”.
Quả như vậy. Tuy đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng Marquez đang sung sức với
ngòi bút của mình: Viết văn, viết phóng sự, từ Trăm năm cô đơn, ông đang
vươn lên cái vĩnh hằng của hòa hợp, của tình thương mến, của sự kết đoàn.
Đoàn kết để “sáng tạo ra một thiên huyền thoại khác, nơi không một ai có
thể bị kẻ khác định đoạt số phận ngay cả cách thức chết; nơi tình yêu là cái
có thật và hạnh phúc là cái có khả năng thực sự; và nơi những dòng họ bị
kết án trăm năm cô đơn thì cuối cùng và mãi mãi sẽ có vận may lần thứ hai
để tái sinh trên mặt đất này” (Lời phát biểu của Marquez trong lễ trao giải
thưởng Nobel văn học cho nhà văn).
Phải chăng đó là lời dự báo cho cuốn sách mới của ông Tình yêu trong thời
ôn dịch?