Địa Trung Hải
Đất nước ấy là xứ sở của tôi…
Lãng mạn, yêu say đắm, Nazim Hikmet đã làm say lòng bao phụ nữ, bị thu
hút bởi sự tỏa sáng diệu kỳ, mớ tóc phủ gáy lượn sóng và cặp mắt xanh.
Piraye là người vợ trong những năm dài ông bị tù đày, Munewer, bạn đời
của những ngày cuối cùng ở Thổ và mẹ của cậu bé Memet, và Vera, người
chia sẽ cuộc đời với ông ở Moskva cho đến khi ông qua đời năm 1963; đấy
là những nữ thần thi ca đã tạo cảm hứng cho những vần thơ nhức nhối của
ông.
Việc ông trở về Thổ Nhĩ Kỳ năm 1924 đánh dấu những bất hòa đầu tiên của
ông với quyền lực chính trị, tiếp theo là nhiều đợt ngồi tù. Năm 1938, ông
bị kết án 20 năm tù vì đã xúi giục lực lượng quân đội nổi loạn, một bản án
không có cơ sở đã làm ông phải sống 13 năm sau chấn song tù.
Cuộc chiến tranh vì độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo cảm hứng cho một khúc
sử thi dài của ông. Trong một nền Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi, Nazim
Hikmet “thuộc về một truyền thống mới do nhà thơ Ataturk khai sinh”,
Guengoer Dilmen nói thế. “Ông đã phá vỡ những quy tắc cứng nhắc của
nền thơ Thổ cũ và tạo ra những vần thơ tự do”.
Giống hệt như Ataturk, người mà ông khâm phục, Nazim Hikmet rõ ràng là
một nhà thơ hiện đại và hướng về văn học phương Tây, nhưng chất nổi loạn
của ông phản kháng lại mọi hình thức của nền chính trị cực quyền.
Ở trong tù, thơ ông được làm giàu bởi môi trường vùng Anatolie, có dịp
gặp gỡ nông dân và những người lao động khác cũng bị giam giữ với ông.
Những bức thư từ ngôi nhà tù Bursa, Từ hy vọng đến phải khóc vì phẫn
nộ là những vần thơ đầy cảm động, thể hiện một con người đầy chất trào
lộng, đôi khi tuyệt vọng, nhưng luôn luôn quan tâm đến người khác. Những
nhà văn trẻ, cùng ở tù như ông, đã trưởng thành dưới ảnh hưởng của ông.