Viện Hàn lâm Thụy Điển còn nhận xét rằng văn phong của bà đã biến hóa
từ tác phẩm này đến tác phẩm khác mặc dầu gốc gác của nó là từ tác phẩm
của William Faulkner. Bà đào bới vào bản thân ngôn từ, cái mà bà muốn
giải phóng nó khỏi những giây xiềng về chủng tộc. Kerin Strandherg, biên
tập cho các nhà xuất bản Thụy Điển về tác phẩm Morrison, nói: “Toni
Morrison là một trong những nhà văn lớn nhất đương thời. Bà luôn có điều
để nói về con người và về xã hội, một cách mãnh liệt và đầy chất thơ”.
Từ tác phẩm đầu tay Cặp mắt tuyệt xanh (1970), đến Khúc hát của
Solomon (1978), rồi Người thân yêu (1987)… cho đến cuốn tiểu thuyết mới
nhất năm ngoái Jazz, người ta gọi bà là nhà viết sử biên niên của văn hóa
và các giấc mơ của người Mỹ da đen suốt 1/4 thế kỷ. Trong sáu cuốn tiểu
thuyết, bà viết lại lịch sử từ góc nhìn của những người nô lệ da đen và con
cháu họ, những kẻ kế thừa cái di sản của phân biệt chủng tộc, về sự tủi
nhục và về những sức mạnh của bản sắc da đen. Các tác phẩm này đã làm
nổi bật những trải nghiệm của những con người thường không có chỗ đứng
trong dòng chủ lưu của lịch sử những người da trắng. Bà cũng còn được
miêu tả là “một thiên thần trả thù”, nhớ và ghi lại cái di sản bi thảm của
thân phận nô lệ và phân biệt đối xử. Trong các tác phẩm của bà những
chuyện kinh hoàng đã được kể ra: Một bà mẹ giết đứa con gái hai
tuổi (Beloved) và một người vợ rạch mặt người tình đã chết của chồng
mình (Jazz). Nhưng bản thân bà, Morrison nói rằng bà không hẳn đồng ý
với sự so sánh đó. “Nó làm cho tôi xem ra lại lớn hơn mình vốn có. Tôi
không có gươm và tôi cũng không muốn uốn nắn những điều sai quấy. Tôi
muốn thay đổi ngôn ngữ và xóa đi một bộ phận của nó (bộ phận phân biệt
chủng tộc) và lấp vào đó bằng tiếng nói của người đàn bà da đen. Đấy là
một việc mạo hiểm”.
Là một con người tự thân lập thân, Morrison đã giành được học vị cao về
văn học Anh tại đại học Cornell, trở thành chuyên gia về Faulkner. Trong
tác phẩm được biết đến nhiều nhất của bà, Beloved một phụ nữ da đen nô lệ
đã giết đứa con hai tuổi để con mình không chịu kiếp nô lệ như mình.