“Muội ấy còn biết nhiều hơn thế. Nói tới khám bệnh, tuy không phải
là thần y, nhưng cũng còn hơn Lâu đại phu của các ngươi nhiều.” Dương
Phượng đặt túi thuốc vào tay A Hán, nhắc nhở, “A Hán tẩu khỏi bệnh, tự
mình biết là được rồi, đừng có đi khắp nơi rêu rao”.
“Ta biết rồi. Cô nương không biết đã nói bao nhiêu lần rồi, không
được nói với người khác! A tẩu, ta xin nhận chỗ thảo dược này, nếu hữu
hiệu, ta sẽ mang thêm một con gà sang.” A Hán xách thảo dược đi, bỗng
dưng quay lại, vỗ đầu kêu lên, “A tẩu xem ta cũng thật hồ đồ. Ta quên mất
việc nữ nhân của ta dặn rồi”.
A Hán lấy trong người ra một túi đồ: “Ở đây có hai cái áo, đều do nữ
nhân của ta khâu, tuy thô một chút, nhưng chất liệu rất bền, một chiếc cho
Khánh nhi của a ca, một chiếc cho hài nhi của cô nương”.
Dương Phượng nhận lấy hai cái áo, cầm chiếc nhỏ ra xem trước, bật
cười: “Cái này nhỏ rồi, vai của Trường Tiếu rộng lắm”.
“Bé xíu như thế, vai có thể rộng đến chừng nào chứ?”, A Hán có chút
thất vọng, “Thử xem đã, biết đâu vẫn vừa”.
Dương Phượng dẫn A Hán vào trong phòng, đến bên nôi nhỏ, rồi ướm
thử chiếc áo lên người hài nhi. Đúng là hơi chật một chút, Dương Phượng
nói: “Ngươi xem, vai bị chật này. Nhưng không sao, lát nữa ta sẽ tháo ra,
nối thêm một mảnh vải là được”.
Hài nhi đang nằm trong nôi, khuôn mặt non nớt, sống mũi thẳng.
Thông thường các hài nhi nằm ngủ vẫn cựa quậy lung tung, nhưng Trường
Tiếu nằm rất ngay ngắn, có quy tắc.
A Hán nhìn Trường Tiếu trong nôi, xuýt xoa: “Hài nhi này có khuôn
mặt đẹp quá, lớn lên không biết có bao nhiêu nữ nhân chạy theo. Trường
Tiếu ngày nào cũng cười, lúc nào cũng cười… Ha ha, cô nương đặt tên hay
thật đấy.”