“Côn Lôn kí sự” ra từ số 2 của Đời mới, rất được đón đọc. Liệu viết
nó từ ngày nằm nhàn tản ở quê, cứ rút ruột những kí ức tù đầy ra mà kể.
Chuyện Côn Lôn không gay gắt lắm về những hà khắc, ác độc, mà trái lại,
phần “văn nghệ” đậm đà, nào kịch cọt Moliere, nào thơ phú tưởng đến
bóng hồng. Không biết mà đọc có thể tưởng là ngoài ấy là một cõi mộng.
Làm vậy vì Liệu mới tự do, còn ngại cành cây cong. Chứ ít lâu sau khi rời
tỉnh lẻ Nam Định, anh nhận ra ngay mình đã trở lại được biển cả; cái “biển”
Hà Nội những ngày Mặt trận Bình dân nắm quyền bên Pháp còn mênh
mông tự do hơn Nam kì thuộc địa mươi năm trước.
Đời mới rất lay lắt. Có giấy phép nhưng không ai bỏ tiền làm, cứ đi
vay mượn, quyên góp. Trị sự, phát hành không người chuyên trách, nội
dung thì khá nhưng tên tuổi chìm trong biển báo, bởi vậy chẳng bán được
bao nhiêu. Nhà in Long Quang không nhận được tiền thì “giam” báo lại,
vài hôm chạy đủ lại “thả” ra cho bán. Thế mà tinh thần “xả láng cuộc đời”
rất hăng, rỗi rãi, có tý hào là đâm ngay xuống xóm hát Khâm Thiên hay
nằm bẹp tai ở tiệm hút lão Vạn. Liệu quen với cách kham khổ và kỉ luật
trong tù, rất kinh ngạc. Nhưng chẳng đấu tranh. Lại thế nào với “phong
trào”! Thành thử chỉ còn lo giữ mình khỏi a dua.
Ra đến số 7 thì phải đình bản. Tòa soạn bị khám xét nhưng không thấy
gì. Tuy chỉ sống có 7 tuần, Đời mới có công cho Liệu “tập bơi” thuần thục
trong những ngày đầu trở lại “biển”. Và dù sao anh biết mình có thể kiếm
sống bằng nghề báo. Quanh anh có biết bao bạn bè, cũ thì Tô Hiệu, Hải
Triều, mới có Trần Đình Long... Niềm tin vào họ và vào bản thân thật vô
cùng quan trọng. Liệu đã có hướng đi rõ ràng. Mặc dù chưa “đỏ” hẳn, năm
1935, anh vẫn được tổ chức Cộng sản, bấy giờ đang rục rịch dựng lại Xứ
uỷ lâm thời Bắc Kỳ, quyết định cho hoạt động công khai. Khả năng và xu
hướng của ông tù mới ra này chỉ có thể làm báo là hợp nhất.
Làng báo Bắc Kì thời đó có những lề lối học theo nếp bên Pháp.
Chẳng hạn tờ Lire (Đọc) bên kia chỉ đăng lại bài đáng chú ý của báo khác,