Mỗi việc hàng ngày đều được dẫn ra một câu Thánh Hiền làm mẫu
mực. Sách “Luận ngữ”, thiên “Hương đẳng” chép những cử chỉ thường
ngày của Khổng Tử, Liệu thuộc nằm lòng.
- Con biết không, ông đồ bảo, trước kia có người chuyên đi nhặt giấy
bẩn có chữ Thánh đem đốt đi, đến lúc đẻ con, sau lưng có bốn chữ bằng
dấu chàm “Kính tích chỉ tự”, người con sau này thi đậu tiến sĩ.
Những lời răn ấy ngày một thấm, khiến mảnh giấy có chữ trở nên
thiêng liêng, không dùng vào việc bẩn thỉu, để rơi xuống đất cũng không
dám.
Thông thường, trẻ mới học đều phải qua “Tam tự kinh”, cuốn sách vỡ
lòng. “Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn” (1),
tiếng trẻ khao khao trong lớp học dưới luỹ tre. Sau “Tam tự kinh” là hai
quyển Sử thượng, Sử hạ và Hán sử, nghĩa là toàn sử nước người. Nhưng
Liệu, giống cái cây bị nhấc lên cho mau lớn, phải bắc ngay sang các sách
“Đại học”, “Ngũ kinh”, “Tứ thư” và “Bắc sử” trứ danh. Nhai nhải, nhồi
nhét, nhồm nhoàm, thật chẳng khác con vẹt mấy tý. Nó làm cậu bé ra ông
cụ non, khác hẳn chúng bạn cùng trang lứa. Mà thế thì đâu có gì phải xấu
hổ, còn làm tấm gương, làm chỗ để trẻ khác học theo ấy chứ.
-----
(1) Ý nói con người ta sinh ra có tính tốt lành, do hoàn cảnh mới đổi
khác đi.
Trong vùng, ông đồ Trình nổi tiếng về cách dậy nghiêm khắc và hiệu
quả. “Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn”, có thế mới nên thân, cái lũ chỉ
xếp sau “quỷ” và “ma” ạ. Sáng ra các trò đến trường, thầy chỉ đích danh
anh nào ngủ sớm hay chịu thức khuya nhá chữ. Đêm mưa to gió lớn, ông
xắn quần, bận áo tơi đi “tuần thú” những nhà có trò trọ học, bắt quả tang
anh nào lười, anh nào lẩn. Đấy là việc dạy chữ, gọi như bây giờ là truyền bá