A, mà làm gì có “nàng” mà “võng nàng đi sau”. Nhưng cứ thi đỗ đã tỏ lắm
rồi, bố đỡ đòn vọt, mà có khi không phải học nữa cũng nên.
Những ngày sau, Liệu được tẩm bổ, ăn uống sướng tệ. Những chuối
trứng cuốc, cốm đầu mùa, trứng gà tươi ai ai trả chữ, ông đồ dành cả cho
con. Nhưng phải thức khuya ra rả như cuốc, những chữ đã mòn lỳ cứ phải
“luộc” lại kỹ, đánh cho nhẵn bóng.
Ấy là năm 1915, Trần Huy Liệu mười bốn tuổi, cũng chả phải người
bé nhất trong kỳ vượt Vũ Môn cuối cùng. Chế độ khoa cử Nho giáo hạn
chế cách tuyển những ông thông ông phán nên nhà nước thực dân bỏ thi,
đưa vào trường học các môn khoa học tự nhiên và lối đọc a bê xê lợn xề
bánh đúc, u xê úc là cục mắm tôm. Điều ấy làm các nhà nho nước ta tức
phát điên, càng thêm thâm thù bọn mũi lõ mắt xanh. Tiến thân vào đâu?
Lên quan ngả nào? Và nhất là đạo nhà đạo nước, rường cột đã qua dăm bẩy
trăm năm nay, phải chịu nhìn chúng gác qua một bên.
Theo thể lệ, muốn thi Hương phải qua mấy kỳ hạch trước. Kỳ đầu, thi
tuyển sinh bằng một bài luận quốc ngữ, Liệu vượt ngon lành. Kỳ khóa sinh
làm luận bằng cả chữ nho lẫn quốc ngữ, cậu nhá dễ còn hơn thia lia được
hòn đáo vào lỗ. Sức vóc ấy, bồ chữ ấy, quà thi khóa sinh để vào trường thi
Hương, có gì mà phải ngại.
Nhưng có chuyện trớ trêu làm chậm con đường đến Mỹ Trọng (1) của
Liệu. Kỳ thi hạch đã qua, bảng yết lên cổng phủ. Trông thấy tên mình, Liệu
nhẩy lên, chả kể những kẻ nước mắt ngắn nước mắt dài xung quanh. Nhưng
đám chức trách lại phát giác ra đề thi đã bị lộ từ trước. Kẻ trộm đề bị bắt,
xử phạt rất nghiêm.
-----
(1) Nơi thi Hương của trường Nam (Nam Định)