Nhưng sao mắt cứ mờ đi. Tay run bắn, cố ghì chặt lấy bút mà chữ vẫn
xiêu. Cơn rét từ trong ruột đâm ra, tòi qua xương, qua thịt, làm bần bật cả
bàn với ghế. Đầu nặng như ai lấy cái đỉnh úp lên, mắt không thể mở. Liệu
đổ vật xuống đất, co quắp, không còn biết đến người ta đang khiêng ra, đổ
nước gừng vào miệng.
- Thật khổ, thằng bé học giỏi mà đâm hỏng.
Tiếng ai lào xào bên tai. Không lẽ mình không làm được hết bài. Liệu
vùng dậy xin thi tiếp, nhưng cơn sốt lại vật cậu xuống, càng lúc càng ác
liệt. Mê man. Rừng rực như hòn than. Bệnh từ anh bạn cùng trọ học lây
sang, người ấy bỏ cuộc ngay từ đầu, còn Liệu làm được nửa bài. Người ta
mang cậu về nhà để mẹ trông nom.
- Học tài thi phận con ơi!
Ông đồ Trình uất tím tái cả người, mãi đến cuối ngày mới hộc ra mấy
tiếng.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa
Cờ kéo rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra
Đấy là những câu chua chát nhà thơ thành Nam Trần Tế Xương (Tú
Xương) tả lại trường thi Hương lúc Nho tàn. Kỳ thi Hương cuối cùng năm
Ất Mão 1915 diễn ra trên cánh đồng làng Mỹ Trọng gần cổng tỉnh không
có cậu khóa Liệu, tuy đã khoẻ lại sau trận ốm. Không muốn nhìn con nhà
người lều chõng gánh đi, ông đồ Trình đắp chiếu nằm rên hừ hừ. Mọi hy
vọng đều tiêu tan cả sau những gắng gượng cuối cùng, cha con dâng đơn