Tang lễ “tiến hành trọng thể” như báo chí đưa. Đằng sau là những
chuyện không thể nói ra. Gia đình mỗi người mỗi tâm trạng. Trưởng ban
tang lễ Hoàng Văn Hoan, từ chối đọc điếu văn như lệ định. Thay mặt, lại là
một người cũng chả xuôi chèo mát mái lắm với Liệu. Điếu văn đăng báo
Nhân dân được “dịch chuyển” chút ít phần đánh giá chuyên môn sử học,
cho ông là một “người sưu tầm”.
Trong cuộc đời sáu mươi tám năm, ít nhất Liệu đã bốn lần cảm thấy
cái chết lạnh lẽo thế nào. Chuyến đi biển thời thanh niên với cụ Bùi Trình
Khiêm, cú ngã xuống hang yến ở Côn Đảo, rồi máy bay đuổi dưới chân đèo
Kháng Nhật. Trước đó mấy năm, ông lại trải qua cái chết lâm sàng mấy
ngày, để rồi khi qua khỏi, đã tự giễu mình không được giống người tráng sĩ
chống kiếm một đi không trở lại như trong câu thơ cổ. Cứ sau mỗi lần như
vậy ông lại dai nhanh nhách, nghĩa là thấy yêu cuộc đời, đa mang đèo bòng
nhiều, ưu tư và hăng hái hơn.
Liệu có thói quen ghi nhật kí đều đặn, nhất là từ năm 1946, khi cuộc
sống không còn mấy nguy hiểm. Hơn hai chục quyển sổ nhỏ, đa phần giấy
xấu, ghi chi chít những chuyến đi, nhận xét, dự cảm. Đến những ngày hòa
bình, tưởng như “tha hồ quan sát bản thân” được, thì thói quen ấy lại thưa
dần rồi mất hẳn. Tâm trạng ngổn ngang, khó “gọi ra” được hơn ư? Hay cảm
giác bất ổn? Có lẽ là cả hai. Không khí của những năm sáu mươi thế kỉ
trước khá nặng nề với nhiều “lão thành”. Trong một kiểm điểm cuối đời,
ông tự nhận “càng ngày càng hay cáu bực”, “trong cách mạng giải phóng
toàn tâm toàn ý, sang đến cách mạng dân tộc dân chủ phải dùng đến lí trí
nhiều”... Hai tuần sau khi mất, có chiếc xe con đến 16 Phan Huy Chú thu
hết nhật kí, lai cảo, bản thảo của Liệu về xem xét, để hai năm sau trả lại.
Văn tự về cuộc sống riêng, có lẽ là duy nhất lúc cuối đời, lại xuất hiện
dưới dạng khá tạm bợ, trong một cuốn sổ, lẫn với những tư liệu khác. Di
chúc của Liệu nói mình không có tài sản gì để lại ngoài sách vở, sau này
muốn được để vào chỗ lưu niệm. Sau phần về gia đình lớn, ông nhắc đến