Trong khu vườn bên kia ngõ, mấy chú choai vắt vẻo trên cây ổi đào
ríu ran. Khoái nhất dĩ nhiên là Liệu, tác giả mấy câu vè nghệch ngoạc.
- Tao giẫm con bọ nẹt rát quá chúng mày ơi.
Liệu đứng trên cành rung rùng rùng như có bão, reo đắc thắng. Mấy
đứa khác nắc nỏm:
- Thằng Liệu giỏi, nghĩ tợn thật.
- Kể thì vè chưa chỉnh nhưng nghĩ thế đã sướng chán.
- Này, ông tướng có vợ rồi đấy nhá!
Câu nói sau làm Liệu cụt hứng. Tụt xuống gốc, cậu lững thững về nhà,
bắt đầu thấy hối. Thì ông khóa Cảo dốt nát, học nhiều mà chữ nghĩa tối mò
mò, giã cối gạo, chẻ cành củi không xong. Nhưng thế thì có tội gì mà bêu?
Vả lại ông còn là bạn anh Chước, là sinh đồ của thầy mình. Nhưng ai bảo
ông ấy gạo, gạo quá, ngày đêm lẩm nhẩm mà có hiểu ý nghĩa gì đâu.
Những ý nghĩ nửa ân hận nửa hả hê theo Liệu về nhà, nơi Tý đang đợi cơm.
Từ ngày anh Chước, rồi thầy mẹ theo nhau về chín suối, gánh nặng gia
đình đặt cả lên vai vợ chồng Liệu. Con gái Xuân, gọi là cái Mẹt, và cu
Chiểu, tức thằng Mo ra đời, lại thêm các cháu con anh Chước, gia đình bị
đẩy vào chỗ không ngóc đầu lên được. Lúc nào cũng lo ăn. Cả nhà là một
đoàn tầu luôn luôn hối thúc như cảnh tượng ngoài ga Gôi, bắt phải ngược
xuôi bươn chải.
Bình sinh Tý đã như người đàn bà ra đời để làm lụng. Quần quật với
mấy sào ruộng, tối ngày về lại chăm vườn tược, gà lợn, Tý không thấy
nhọc, chỉ thỉnh thoảng eo xèo vì mồm ăn lắm quá. Nhưng Liệu thì khác.
Ngược xuôi Thái La, Công Luận, Hạnh Lâm gõ đầu trẻ, ngày chạy ba bốn
lớp, cậu không thể trốn được tuổi ngựa non. Ông thầy đôi tám không chững
chạc hơn trò là mấy, thi thoảng còn xà vào đám chọc phá của mấy sinh đồ