đã lộc ngộc vỡ tiếng. Phải giữ lễ trước các bậc nho cựu trào, làm bộ trịnh
trọng trước học trò là một cực hình. Lắm lúc Liệu phải ra vườn đá bình
bịch vào bụi chuối hay nhẩy cỡn lên. Chí ít, là ngâm mấy vần thơ đầy hào
khí nhưng bi phẫn của kẻ không gặp thời, những câu Tý chỉ cho là “dớ
dẩn”.
Không còn người kiềm toả trong nhà, Liệu thấy như mình đã hư thân
hơn. Cho nên, trêu xong ông khóa Cảo, hả hê chút ít rồi lại thấy mình
không phải.
Nhưng ác hại nhất, là Liệu thấy mình như đã hư tâm hơn. Những câu
ghi xương khắc cốt của ông đồ Trình dần bợt bạt, phôi pha. Đạo Thánh
Hiền đã không cứu nổi cả nhà. Học tài thi phận, chí cao mà có ai dụng?
Bao giờ mới gặp người tri kỉ, để thờ phụng, để dốc sức như Bàng Thống,
Khổng Minh gặp Lưu Bị xưa? Chữ Thánh còn đáng để ta nhai nhải, ghi
tâm, trích dẫn, ví von hàng ngày, khi mà độ nhật toát mồ hôi không xong?
Cho nên, hàng ngày bán chữ kiếm ăn, dạy lại những “chi hồ giả dã” nằm
lòng, Liệu thấy mình như trâu nhai rơm. Mà mình là con người, đang độ
lớn, chứ có như con trâu cày ruộng ngoài kia, tối về được nằm chân đống
rơm là đủ. Không lo thân, xoay chuyển được hướng đi, khéo lại như con
trâu về già, người ta chọc tiết ồng ộc xong pha ra cho vào nồi ninh, là hết.
Còn không được phong lưu bằng ông khóa Cảo...
Càng bức bối khi đọc tân thư. Từ trước, chỉ biết chữ cụ Khổng, nhai
nhải những điều người trước đã biết cả vài trăm năm. Xung quanh, những
túc nho, học giả yêu nước bề bề, một lòng cho Tây Dương là giống lang
thú, vì người nó lắm lông lá, không biết đến cái Đạo của ta. Nhưng sao nó
cứ đánh đâu được đấy, “ăn” xong trong Nam thanh toán nốt Bắc Kỳ, coi
quan quân ta chả ra gì. “Sang ta chỉ là cặn bã của Đạo Nho thôi. Có thấy
cũng theo trung nguyên, nhưng phong kiến ta có bao giờ được Trung Hoa
coi trọng bằng các triều ở Cao Ly, Nhật Bản đâu”. Có lần Liệu nghe được
câu ấy trong buổi anh Chước gặp mặt mấy người bạn, bèn nằm lòng. Cái ý