Từ hôm ấy, luống rau ngót sau nhà thành chỗ Liệu vểnh tai ra nghe
anh nói về “Mưa Âu gió Mỹ”, sách “Trung Quốc hồn” của Lương Khải
Siêu. Cả một chân trời mới mở ra. Liệu bắt đầu lần mò sang những sách về
Lu- i Kốt - suýt, nhà cách mạng Hung - ga - ri, quyển “Ba người anh kiệt
nước Ý” của Man - di - ni. Chúng như có thuốc kích thích, đọc xong muốn
bắt chước nhân vật để tang nước mất, đi làm cách mạng để ở tù. Cứ quay
cuồng vậy mà ông đồ không biết, phần bị giấu, phần nhà lắm việc, vắt mũi
chả đủ đút miệng, lấy đâu thì giờ hỏi han con.
Anh Chước mất, để lại một hòm sách. Rất lâu sau đám tang, ông đồ
mới mở hòm, lấy ra cuốn vở xem kĩ rồi thở dài: “Anh con không sang Nhật
được, phí quá!”.
Cuốn vở có tên “Phương châm cứu nước”, ghi chữ Nho, đặc những
điều trần mà đám sĩ phu mới ở Trung Hoa đang sùng sục đòi áp dụng: mở
trường kiểu mới, bỏ lối thi truyền thống, cưỡng bách học tập, lập hội buôn,
áp dụng kĩ thuật của người Âu, cải lương phong tục ta...
Những điều anh Chước viết là một đòn giáng nặng vào người ở lại.
Liệu vừa sợ vừa xa bố, cảm thấy nghiêm cẩn cũ kĩ quá, trong khi ông đồ
đêm ngày lo con út đi xa dần những nguyên tắc của mình. Liệu mất người
bày tỏ những “cái gì” với “tại sao”, mà ông bố cũng hoang mang lắm,
không biết có nên gò thằng bé đi mãi con đường cũ...
Năm 1917, bố và anh đi cả, Liệu chả còn ai để kiềm toả. Dù đã vợ
con, cậu vẫn là chú nghé ngứa sừng. Cái mần tân học lớn dần khiến Liệu cứ
phải chọc ngoáy, quấy phá những bậc tiên nho trong vùng.
Thoả chí đấy, hả hê đấy, nhưng chỉ được chốc lát. Ông khóa Cảo ù lỳ
cũ kĩ, chẳng có tội gì nữa mà hành thêm. Thi hỏng rồi, muốn thi tiếp không
được, mà việc mở trường bán chữ ngày càng khó, càng rẻ. Mà chữ chỉ là
chữ thì để làm gì, mình không trọng chữ nữa lại cứ dậy mãi được a...