- Cứ để trống những chỗ bị đục bỏ, không lấp nữa. Ta phản đối mà lại
phân bua được luôn với thế gian. - Liệu bàn với Lâm Hiệp Châu.
“Bài cùn” ấy có hiệu quả. Người đọc càng thương, càng mua báo
nhiều. Dù sao lúc ấy trên trường báo Nam Kỳ chưa mấy tờ nói chuyện
chính trị, tranh đấu cho kẻ nghèo, quyền lợi dân tộc.
Thuê phải “lũ” chủ nhiệm, chủ bút thứ dữ như thế, Lê Thành Trường
cứ phát sốt phát rét. Quá bằng rước hổ về ngồi trong nhà. Dù số phát hành
tăng, có lãi, ảnh hưởng báo lớn, nhưng chả bõ bèn với chuyện phải đương
đầu với các thế lực chính trị và đám phú hào. Đã bao lần Liệu, Châu được
chủ báo nhắc chỉ nên mon men gãi ngứa thôi, chớ nên gây sự đánh lớn.
Nhưng hầu như Nông Cổ mín đàm số nào cũng bị đục bỏ vài ô.
Giọt nước tràn cốc là bài kiểm duyệt để lọt, tố cáo địa chủ Trần Trình
Huy cậy của giết người, lấp liếm tội. Dư luận ầm cả lên làm gã công tử Bạc
Liêu ức lắm. Bên ngoài đâm đơn kiện báo, bên trong nhắn nhe đe doạ, Huy
làm Lê Thành Trường mất hết kiên nhẫn với hai thằng làm loạn. Báo bị đòi
lại, người ra khỏi tòa soạn ở phố Pellerin.
Lại sểnh nhà ra thất nghiệp, Liệu theo Lâm Hiệp Châu đến tá túc phố
La Reyniere. Ăn ở nhờ bạn, còn bạn lại nương vào vợ rơi vợ hờ của một
Hoa kiều ở Chợ Lớn, tức là ba miệng ăn bám vào một cái trôn đàn bà. Thế
mà hai cái mồm mới vẫn rất to tiếng đấu lý đấu luật với kẻ có quyền. Đám
công chức quản lý báo chí cứ phải nghe liên tù tì những câu kiểu:
“Sao bảo tự do ngôn luận, bình quyền bình đẳng mà các ông bịt mồm
người ta nói sự thật?”
“Những tư tưởng lớn của cách mạng Pháp chỉ áp dụng bên chính quốc,
còn ở đây các ông cấm ngặt chứ gì?”
Báo bị đòi nửa tháng, thì Liệu “lách” được quyển “Ngòi bút sắt”. Theo
luật thuộc địa, sách không bị kiểm duyệt như báo, chỉ phải nộp sáu quyển