đầm không nói không rằng. Ông đồ cũng chẳng thèm thúc giục ra roi, bao
nhiêu cáu giận dồn cả vào đôi tay nhấc bổng thằng bé lên.
“Ùm!”
Liệu luống cuống giữa bùn nước, cuống cuồng vì bị sặc. Cũng may là
biết bơi nên không đến nỗi no bụng nước. Lóp ngóp vào được bờ, thì hào
khí làm loạn tắt hẳn. Liệu cum cúp đi trên con đường thiên lý. Xung quanh,
những bụi cứt lợn trăng trắng toả mùi ngai ngái. Đồng lúa đang vào đòng
thơm ngào ngạt. Gần đến Hạnh Lâm thì cậu út đã quên hẳn, lại chuyện trò
ríu ran.
Không biết rằng đi sau, ông đồ đang thở phào, đút cây roi vào đẫy.
Thằng bé bướng nữa, chắc ông không còn lòng nào ra gan, đận về cũng chả
thể kể hết với mẹ nó.
Và cậu út cũng không thể ngờ từ đây đến cuối cuộc đời, sứ mạng của
cậu là đèn sách. Đã có lúc tới tột đỉnh của danh vọng, làm bộ trưởng, phó
chủ tịch Uỷ ban Dân tộc giải phóng năm 1945, thì trước sau, chỉ có chữ
nghĩa mới là trường đắc địa của cậu.
Năm 1907, lên sáu, cậu bé không thể ngờ mình sẽ là chứng nhân, can
dự vào những sự kiện lớn nhất của đất nước trong bẩy mươi năm nữa. Để
sau này, khi kể lại và đánh giá chúng, Trần Huy Liệu có thể nói vui, nhưng
lại đầy tự hào: “Tôi là con người của thế kỉ đây... ”