tủn mủn lai rai của họ, họ đã đem những gì để nhét vào cho đầy ắp, những
lúc họ hớn hở tự do?
Một bận nọ, ở Nga, tôi có nghe người ta chơi bừa bãi nhạc Mozart trong
một xưởng máy. Tôi có viết truyện ấy ra. Tôi có nhận được hai trăm lá thư
chửi rủa. Tôi không oán trách gì những kẻ ưa thích nhất cái loại quán ca vũ
lai rai tồi, để nghe nhạc hú hí như thiên lôi. Tôi trách những kẻ đứng chủ
trương những quán ca vũ thiên lôi hú. Tôi không chịu chấp thuận cái việc
người ta phá hoại cho “toi đâm” đồi phế con người.
Tôi, tôi sung sướng trong nghề nghiệp tôi. Tôi cảm thấy mình đích thị
nông dân của những bến trạm nghỉ. Trong chuyến tàu ngoại ô, tôi nghe thấy
niềm tan rã giữa lòng mình, mối thống khổ tủi buồn còn thăm thẳm khôn tả
hơn tại đây. Tại đây, nói cho cùng, còn hào hoa lộng lẫy xiết bao!...
Tôi chẳng tiếc gì hết. Tôi đã chơi cuộc, tôi đã thua. Có chi đâu mà oán
hối. Đó là trong lẽ hằng của nghề nghiệp, Nhưng, dù sao, tôi cũng đã hít
vào phổi mình, cái trận gió trùng dương…
Ai đã một phen có nếm mùi gió nọ, sẽ không quên được cái vị nồng mật
dịu dị thường kia. Phải vậy chăng ru, hỡi các bạn bè thân thuộc? Và nói vậy
cũng phải chăng là nêu ra cái việc nên sống theo cách điệu mạo hiểm cho
gặp nguy biến đầy người. Cái lối nói đó thật là khoác lác kiêu kỳ. Cái dũng
của bọn đấu bò, thật tôi không muốn. Cái tôi yêu chuộng, không phải là cái
nguy hiểm nguy cơ. Tôi biết tôi yêu cái gì. Đó là sự sống.
Hình như trời sắp trắng ra. Tôi chìa một cánh tay ra khỏi cát. Một tấm
vải dù căng ở ngay tầm tay, tôi sờ xem, nó vẫn khô ran. Chờ vậy, sương
đọng lại lúc bình minh. Nhưng bình minh tới, trắng ở chân trời, mà không
thấm ướt cho mấy tấm vải chúng tôi. Lúc đó những ý nghĩ của tôi trở nên
lộn xộn chút ít và tôi nghe mình nói: “Tại đây có một trái tim khô… một
trái tim khô… một trái tim khô không biết làm nên giọt lệ”.
- Lên đường thôi, Prévot! Cổ họng chúng ta chưa tắc nghẽn: còn phải
bước đi.