chuẩn bị, rèn luyện cần thiết để thâm cảm một niềm vui trong khổ nhọc của
nghề mình. Mọi sự trong nghề này đều đơn giản một cách hãi hùng. Trong
cõi đó, ba năm sau, tôi đã nhận được tin anh phi công Lécrivain chết, mà
lời trao đổi không quá hai câu; Lécrivain, một trong số một trăm bạn đồng
nghiệp trên một con đường bay, một ngày sương hoặc một đêm mù tối, đã
đi vào cõi yên nghỉ thiên thu.
Lúc ấy vào khoảng ba giờ sáng, cũng canh chầy tĩnh mịch, bỗng nghe
trong bóng tối vị giám đốc lên tiếng hỏi viên thanh tra:
- Tối nay Lécrivain không thấy hạ cánh xuống Casablanca.
- A! Hả?
Và như sực tỉnh mộng dài, anh gắng cho tỉnh táo để tỏ lòng sốt sắng, anh
hỏi thêm:
- A! Thế ư? Y không qua được? Y quay về?
Từ cuối chuyến xe khách, vẳng lên một lời đáp gọn lỏn: “Không”.
Chúng tôi chờ nghe tiếp, nhưng không một tiếng nào thêm. Và giây khắc
qua, giây khắc biến, càng rõ rằng cái tiếng “không” kia, là tuyệt-đối-tiếng-
không; rằng không là không những Lécrivain đã không hạ cánh xuống
Casablanca, mà cũng không bao giờ anh sẽ còn hạ cánh xuống bất cứ một
nơi nào được nữa.
Buổi mai đó, buổi mai mở màn chuyến bay đầu tiên của tôi, tôi cũng như
các bạn đồng nghiệp, xin khuất mình nhận đủ các nghi tiết thiêng liêng của
nghề nghiệp, và cảm thấy thiếu mất tự tin, lúc nhìn ra bên ngoài thấy con
đường trải đá lấp loáng phản chiếu bóng đèn lồng. Trên đường, những vũng
nước đọng, từng đợt gió bay qua làm lăn tăn mặt nước. Và tôi nghĩ: “Đây
chuyến bay đầu… thật tình… ta không may mắn lắm.” Tôi ngẩng nhìn viên
thanh tra: “Thế này có phải là xấu trời chăng?” Viên thanh tra mỏi mệt nhìn
ra cửa kính: “Đâu có chắc gì?” Giọng ông cằn nhằn. Tôi tự hỏi: bằng dấu
hiệu nào mới biết được trời xấu? Tối hôm qua, riêng với một nụ cười, anh
Guillaumet đã xóa hết mọi triệu chứng không hay mà các bạn kỳ cựu đã
làm chúng tôi e sợ, nhưng bây giờ tôi nhớ hết: “Kẻ nào không thuộc đường