lắm mà nói tới ý muốn trả thù cho nó. Còn như nói về chính trị, thì đó lại là
thứ chẳng bao giờ anh quan tâm. Thế tuy nhiên, cái tin kia lại phóng tới
trên mình, trên căn số tủn mủn đời mình, mạnh như trận gió biển. Một
thằng bạn nhìn anh sáng nọ:
- Đi chứ ta?
- Đi chứ.
Và hai đứa đã “đi”. Hai đứa “đi chứ ta – đi chứ” đã lên đường tới đó, tại
chốn kia.
Và hình ảnh chợt đến để giải thích với tôi cái chân lý mà anh không tìm
được lời để diễn tả, nhưng tính cách hiển nhiên của nó đã chi phối lòng
anh.
Vào mùa chim di thê, lúc những bầy vịt trời từng đợt bay ngang qua trời
rộng, thì chúng gây nên những triều sóng dị thường tại những miền đất ở
phía dưới dặm mây bay. Lũ vịt nhà, ngong ngóng nhìn lên, như dường bị
nhiếp dẫn bởi đường bay lớn rộng của hàng ngũ vịt trời xếp theo hình tam
giác dìu dặt tiện gió lướt đi, lũ vịt nhà bỗng dang cách sập sè vụng về đạp
nhảy. Tiếng gọi hoang vu đã đánh thức dậy nơi chúng những tàn tích hoang
vu nào chẳng rõ. Và bỗng dưng trong một phút, lũ vịt nhà biến làm chim di
thê thiên tẩy. Bỗng dưng trong cái đầu âm u bé bỏng cứng rắn kia, vốn chỉ
ghi lại quẩn quanh những hình ảnh ao con, nước đục, sâu đen, chuồng tối,
thoắt thôi bỗng trào dậy những cơn phiêu bồng thênh thang lục địa, hương
vị những gió dàn trên mặt sóng mênh mông, những địa lý đại dương, những
họa đồ đại hải… Con vật ngu ngơ vẫn không biết rằng cái óc não bé bỏng
của mình lại đủ rộng để mang chứa được bao nhiêu là kỳ quan kiều diễm,
thế mà đột nhiên nó đã đập cánh chịu chơi, khinh thường hột thóc, khi dễ
con sâu, và muốn mình phải trở nên vịt trời hoang vu náo động.
Nhưng tôi nhớ nhiều nhất là mấy con nai sa mạc cũ: tại Juby ngày trước
tôi có nuôi mấy con nai sa mạc, tục gọi là linh dương. Bọn chúng tôi thủa
đó, tại xứ xa xôi kia, ai ai cũng có nuôi linh dương tròn trịa đôi mắt. Chúng
tôi nhốt chúng nó trong một căn nhà bằng dây kẽm đan mắt cáo, để ở ngoài