Vị chỉ huy muốn xua các vị quân sứ phái đoàn thương thuyết đi, để rảnh
tay ra trận, thì các vị này đáp: “Chúng tôi là khách của ngài tối nay, Thượng
Đế không cho phép chúng tôi bỏ ngài…”. Thế là họ nhập vào hàng ngũ
thuộc hạ của ông, giải thoát đồn ông, rồi leo trở về sào huyệt chơi vơi như
tổ ó đầu non của họ.
Rồi tới lượt họ soạn sửa tấn công. Trước một ngày, họ phái sứ giả tới:
- Tối hôm trước, chúng tôi có giúp ngài…
- Chính thế.
- Chúng tôi đã bắn ba trăm viên đạn…
- Chính thế.
- Phát hoàn số đạn ấy lại chúng tôi, là phải lẽ.
Vị đại úy, vốn người hào hoa quân tử, không thể lợi dụng cái chút ưu thế
trong cuộc chơi, nó có được là do lòng quân tử hào hoa của phía địch. Ông
hoàn lại họ những viên đạn ngày mai họ sẽ dùng để đánh ông.
Chân lý đối với con người, là cái gì làm con người thành một con người.
Khi một kẻ nọ vốn biết giữ gìn phong thể trung chính trong giao tế, trung
thực đàng hoàng trong cuộc chơi, trung tín trong quý chuộng nhau can
tràng tâm phúc “một lời đã biết đến ta”, khi kẻ đó gẫm tới cái cõi cao
thượng trong bầu không khí mình được “phép” hoạt du, và gẫm ra cái miền
lai rai tử tế của kẻ gian dối mỵ dân nếu gặp dịp thì ắt cũng đã tỏ tình tương
giao huynh đệ với cũng chính mấy ông Ả Rập này bằng những vỗ vai bá
cổ, cũng ắt đã nịnh nọt họ và đồng thời làm nhục nhã họ (toujours
amicalement, bien entendu!), kẻ ấy nếu gặp ta, nghe ta bảo rằng chàng vị
tất đã hành động đúng đường khôn ngoan khôn khéo, thì hẳn y chỉ chào ta
bằng một niềm thương hại pha chút khinh bỉ. Và chính chàng ta có lý đó.
Nhưng mà anh cũng sẽ có lý như thường, nếu anh ghét chiến tranh.
Muốn hiểu con người và những như cầu của nó, muốn biết nó trong phần
cốt thiết, thì chẳng nên đem những chân lý hiển nhiên của ta ra mà cho
chúng chọi nhau lại qua lốp đốp. Vâng, các anh có lý. Tất cả các anh đều
luôn luôn có lý. Luận lý minh giải được mọi sự. Cái anh chàng nọ cũng cứ