cây ô liu, để mai sau tới lượt chúng sẽ giao phó lại cho cháu họ. Trong
dòng dõi điền dã, con người ta chỉ chết một nửa đời mà thôi. Mỗi đời sống
cứ theo nhau lần lượt mà rạn nứt như một quả đậu khô nứt vỏ, để cái hạt nó
nẩy ra con người ta đón nhận.
Một lần, tôi có dịp đứng cạnh ba người nông dân trước giường mẹ họ lúc
bà lâm chung. Vâng, cảnh tượng thật là đau đớn. Lần thứ nhì, cuống rốn
đứt ngang. Lần thứ nhì, một cái gút sổ tung: cái gút nối kết thế hệ trước với
thế hệ sau. Ba đứa con thấy mình lẻ loi, còn phải học hỏi một trăm điều,
thiếu mất một bàn ăn để quây quần ngày giỗ, thiếu mất một từ - cực quy tụ
tình thương. Nhưng trong lần tử biệt đó, tôi cũng nhận thấy rằng đời sống
có thể được ban cấp một lần thứ hai. Những người con ấy, tới lượt họ, họ
cũng làm kẻ đầu đàn, tâm điểm cho sự tập trung đoàn kết, họ thành tộc
trưởng, cho tới giờ họ sẽ trao quyền điều khiển lại cho lứa đầu thơ dại hiện
đang chơi đùa ngoài sân.
Tôi nhìn người mẹ, người đàn bà nhà quê già nua với khuôn mặt yên
bình và nghiêm khắc, môi cắn chặt, cái khuôn mặt biến thành đá lạnh. Và
tôi nhận ra khuôn mặt những người con trong đó. Khuôn mặt bà mẹ đã nắn
đúc khuôn mặt con. Tấm thân bà mẹ đã đúc thân thể những người con tráng
kiện. Và bây giờ, bà nằm yên tan nát, nhưng giống hệt một trái khô đã trao
hạt cho đời. Tới lượt con cái bà sẽ đúc nên những tấm thân con người khác,
bằng xương máu mình. Tại nông thôn, người ta không chết. Bà mẹ chết rồi,
bà mẹ sống muôn năm.
Đoạn trường, vâng, nhưng giản dị xiết bao là hình ảnh đó của giây dòng
dõi trường tại, lần lượt trút bỏ dọc đường những vỏ khô tóc bạc da mồi, mà
thẳng bước tới một chân lý u huyền nào, qua bao bận thay hình đổi dạng.
Vì thế cho nên, cũng trong đêm đó, tiếng chuông chiêu hồn tại thôn bản
nọ vẳng nghe như chất chứa những gì không phải tuyệt vọng đau thương,
mà dạt dào một niềm hân hoan ẩn kín dịu dàng. Tiếng chuông tiễn đưa
người chết, tiếng chuông đón tiếp lễ rửa tội người còn, cũng vang một
giọng, và tối nay lại vang lên báo hiệu giờ nối tiếp của hai thế hệ giao nhau.