Xin dịch:
… “Tôi thù ghét thời đại tôi”, không bao lâu trước ngày ông chết, Saint-
Exupéry đã viết thế, vì những lý do không quá xa biệt với những lý do tôi
vừa nói tới. Nhưng, cho dẫu tiếng kêu kia xui cảm kích bàng hoàng thảng
thốt bao nhiêu đi nữa, tiếng kêu vọng tới từ ông ta, là kẻ đã yêu thương con
người trong những gì đáng kính phục nhất nơi con người, tiếng kêu kia
chúng ta vẫn sẽ không nhận về phần mình được. Tuy nhiên, quyến rũ xiết
bao là, đôi giờ đôi lúc, niềm mong muốn quay mặt lánh xa cái cõi trần u
buồn và xương xẩu đến cỗi cằn này! Nhưng thời đại này là thời đại chúng
ta và chúng ta không thể sống mà căm thù, đầy đọa nhau”.
Camus nhìn nhận sự cao nhã hoằng viễn của Saint-Exupéry, nhưng ông
phải buộc lòng viết câu cuối – thể theo một phép lập ngôn mà trạng huống
thời đại nọ ở Âu Châu đương đòi hỏi thiết tha, sau những cuộc đau đớn
của Saint-Exupéry, của Nietzsche… đã đành lòng chịu mang tất cả những
nguyền rủa của nhân gian – để cho trong nhân gian, con người còn có thể
sống trở lại.
Đó chính là cái phần Im-pensé (Ungedachte) trong tác phẩm của nhà tư
tưởng sâu rộng. Đó cũng chính là cái chỗ xui nhà tư tưởng đau lòng: “Il
n’est pas une vérité qui ne porte avec elle son amertume”. (Camus): không
một chân lý nào không mang theo với mình niềm cay đắng của nó.
Còn đối với những người lơ đễnh, không bao giờ chịu chậm rãi tư lự, thì
chúng ta có thể lý luận theo lối trực tiếp này – và như vậy, đành phải cay
đắng làm tổn thương Camus một cách tối ư bất công:
Chẳng hạn, ta thử nói thế này: “Ông Camus nghe lộn rồi. Ông bảo:
“Nous ne pouvons vivre en haissant”. Chúng ta không thể căm thù đày đọa
nhau mà sống được. Nhưng Saint-Exupéry có căm thù ai đâu. Ông căm thù
cái thời đại ông đã xui con người này, con người nọ biến thành những sài
lang. Mà những thị, phi, đen, trắng đều bị xô đẩy lộn phèo đi tất cả. Kẻ vô
tội phải vào tù. Kẻ giết người lại lên án người khác sát nhân. Nếu thỉnh
thoảng Saint-Exupéry có công kích kịch liệt một vài kẻ, cũng là với tinh
thần nọ, ở tầng thâm viễn nọ. Ông không hề căm giận con người”.