Nhưng lý luận như vậy là lý luận theo lối hời hợt thông thường trên bình
diện tục tĩu, rất cần thiết đối với số đông – và cũng làm tổn thương chân lý
không phải ít. Vì chân lý uyên viễn bao giờ cũng phải hiện ra trong tính
chất bội nhị, hàm hỗn – đó là cái mà người Tây Phương gọi là: La
Duplicité de l’Être: tính chất bội nhị của Tồn Thể.
Vì sao như vậy? Đó không phải là điều có thể giải đáp tại đây. Vì vội vã
giải đáp tại đây là phản bội câu hỏi ngay – ngay từ trên cơ sở, suy tư vậy.
Câu đáp, nó nằm tại trong suy gẫm lặng lẽ của từng người soạn sửa tương
ứng về sau.
Và trường hợp: một lời cước chú mà phải chia ra làm hai đoạn, ấy cũng
là trong tinh thần tôn trọng tính cách bội nhị của Tồn Thể trường lưu vậy.
Nhưng cái “vậy” lặp lại hai lần, ba lượt, bốn phen, năm trận, chưa chắc gì
đã đúng là cái “hệt”. Vì sao như vậy? Xin bỏ lửng lời đáp. Vì: câu hỏi, tự
trong tinh thể của nó đã mang ý nghĩa một lời đáp – theo nghĩa một tặng
vật hàm hỗn vô song cánh mây khép mở.
Nói vậy nghe chừng không hợp lý. Nhưng cái Lý nguyên sơ trong tình thế
của nó là gì? Khi cái lý nguyên sơ biến thành luận lý hoặc nhà trường
(logique) rồi cái luận lý học nhà trường biến thành tiểu luận lý nhà trại
(logistique) – thì chúng ta sa ngay vào giữa mê hồn trận ngày nay.
Tôi xin đưa một thí dụ cụ thể, cho thấy cái luận lý nó có thể đưa ta tới
Ngõ Cụt nào của lý luận:
Ông Jésus, ông Lão Tử, cũng nhận thấy và nhìn ra rằng trẻ con là
Thánh, trẻ con theo cho nghĩa con trẻ, chứ không phải trẻ con là ù lì trẻ
con. Mà thánh là kẻ “dạy” người. Vậy thì trẻ con phải dạy người. Ngược
lại, người nào đòi dạy trẻ con là người đó làm loạn xã hội, cần phải bài trừ.
Muốn bài trừ bọn người đông đảo đó, cần phải tổ chức những đoàn thể lớn,
những đảng phái mạnh thì mới có cơ chống nổi và bài trừ. Bài trừ ai?
Những kẻ dạy trẻ con. Những kẻ đó là ai? Là giáo sư vậy. Giáo sư ở đâu? Ở
tại các nhà trường. Làm sao rúc vào trường để bài trừ họ? Trước tiên, phải
đập phá nhà trường!!!