họp đâu đó những phần tử rải rác của đại gia đình nghề nghiệp. Quanh
chiếc bàn ăn một chiều tối, tại Casablanca, tại Dakar, tại Buenos-Aires,
hằng hằng những năm tròn im lặng, người ta khơi trở dậy những câu
chuyện bỏ dở ngày xưa, người ta thắt trở lại những mối dây ràng buộc mình
vào trong những kỷ niệm. Rồi lại ra đi. Mặt đất tròn té ra kể ra cũng là vừa
hoang tiêu vừa phong phú. Phong phú vì những khu vườn ẩn kín, giấu thân,
khó lui vào mà viếng, mà vẫn luôn luôn nằm đợi đó chờ lúc nghề nghiệp sẽ
luôn luôn còn cơ hội dắt dẫn ta về, một chiều xuân dâng, một thu hồng tạ.
Các bạn hữu, xa ta vì đời xô đẩy, xa ta vì cuộc sống không cho phép ta nghĩ
tới họ nhiều, nhưng họ vẫn còn ở tại một nơi nào đó chẳng biết, lặng lẽ và
bị lãng quên, nhưng xiết bao trung thành chung thủy! Và nếu trên đường đi
chợt gặp, họ còn nắm lấy vai ta lắc mạnh, vồ vập vui mừng! Vâng, vâng,
quả thế, chúng ta quen mong đợi chầy ngày…
Nhưng dần dà chợt thấy rằng cái tiếng cười trong trẻo của kẻ kia không
bao giờ ta nghe trở lại nữa, ta chợt thấy rằng khu vườn êm dịu nọ sẽ muôn
đời là vườn cấm với ta. Tới lúc bấy giờ, mối đau lòng mới trỗi dậy niềm
tang tóc thật sự mới khởi đầu. Không da diết, đoạn trường, nhưng pha mùi
chát chát.
Thật vậy, không có gì thay thế nổi người bạn đường đã bỏ đi. Người ta
không tự tạo được cho mình những bạn già thân ái. Không có gì sánh kịp
cái kho tàng những kỉ niệm chia nhau, những ngày giờ cùng chung hoạn
nạn, những cằn nhằn gây gổ, những thành thật giải hòa, những chân tình ở
trong nhịp tim máu. Mất đi, làm sao tạo ra trở lại. Trồng một cây sồi, cây
phong, cây bồ đề, và mong sắp được nằm mơ dưới bóng lá nay mai, đó là
ảo mộng.
Đời vốn đi như thế. Ban đầu vào cuộc sống, chúng ta giàu, giàu nhiều,
giàu nữa; trong bao năm, chúng ta trồng cây, tỉa hột, nhưng ngày tháng trôi,
năm sầu lại: thời gian phá vỡ mất công trình; cây rừng bị chặt; bạn hữu
từng người rơi rụng mất. Bóng tùng quân nghìn tầm xiêu đổ, cái con người
trơ trụi sẽ còn nghe rõ trong hoang lieu mối ngậm ngùi xuân xanh xa mất.