Rồi hiện ra hai thiếu nữ. Gái trang nghiêm nhìn tôi sòng sọc, như hai vị
quan tòa giữ cửa một cấm cung: cô nhỏ tuổi bĩu môi trề ra một cái, cầm
chiếc đũa gỗ lục gõ nhè nhẹ lên mặt đất, rồi lúc giới thiệu xong, hai cô chìa
tay cho tôi bắt, không nói nửa lời, với một kẻ thách đố lạ lùng, và biến mất.
Tôi vừa vui vừa thích thú. Sự việc sao đơn sơ, lặng lẽ và lén chùng như
cái tiếng đầu tiên của một niềm bí ẩn.
- Hừ! Hừ! Chúng nó man rợ lắm. Người cha thản nhiên nói.
Chúng tôi vào nhà.
Ở Paraguay, tôi từng đã yêu một thứ cỏ ngạo đời cắc cớ, cứ lò đầu trong
kẹt đá lót đường ở thủ đô, một loại cỏ của rừng thẳm nào vô hình mà hiện
diện, cứ mò vào thành phố coi chừng thử con người còn ở đấy hay thôi, coi
chừng thử xem đã tới giờ cần nên xô những lớp đá sỏi kia cho nhào chơi tí
chút. Tôi yêu thích cái dáng dấp tàn phế rụng rơi kia, nó biểu hiện một giàu
sang quá lớn. Nhưng tại nơi đây, tôi đã bàng hoàng thán phục.
Bởi vì tất cả tại đây cùng thi đua nhau mà tàn phế, và tàn phế một cách
đáng yêu, đáng yêu say đắm, tàn phế theo điệu một cây cổ thụ đầy rêu trên
mình, và vỏ da nứt rạn vì thời gian, tàn phế theo lối chiếc ghế gỗ dài nằm
im để cho người hai thế hệ uyên ương tới ngồi tình tự. Tại đây, ghế, bàn, tủ
cái, tủ con, đều mòn rã, những cánh cửa rạc rời, những ghế dựa long chân.
Tuy nhiên, đồ đạc hư, không được chữa, mà chùi rửa thì lại được chùi rửa
với tất cả nhiệt tình. Tất cả đều sạch sẽ, bóng nhoáng, sáng trưng.
Phòng khách vì thế có một bộ mặt nồng nã dị thường, như khuôn mặt
một bà lão nhăn nheo. Vách rạn, tường hư, trần nứt, tôi đăm chiêu yêu dấu,
và si mê nhiều nhứt là cái sàn nhà loang lổ, sập chỗ này, xiêu chỗ nọ, như
chiếc thang tàu thủy lay lắt phiêu bồng, nhưng nhất thiết luôn luôn được lau
chùi bóng lộn. Ôi ngôi nhà kỳ ảo, không gợi gì là cẩu thả lai rai, chỉ xui
lòng không cùng kính thán. Mỗi năm qua, càng gia tăng mùi hương cho
dáng điệu, thêm một chút nồng cho khuôn mặt phức tạp đa duyên, thêm
một chút đượm lừng cho đựng tụ mối nhiệt thành trong bầu không khí giao