cũ mà y từng đã ở, ngay trong lồng phổi mình. Cái ngôi nhà quạnh hiu vì
vắng chủ, nhưng không một kẻ nào khác được phép bước vào. Bark giống
như một người đầy tớ canh gác một ngôi nhà, tới ngày bạc tóc, nằm giữa cỏ
cây vây bọc những lối đi nẻo về, giữa quạnh quẽ ngậm ngùi, đành chết đi
trong niềm chung thủy.
Lão không nói: “Tôi là Mohammed ben Lhaoussin” mà bảo: “Xưa kia tôi
tên là Mohammed” vì mơ màng tới một ngày nào đó, nhân vật bị lãng quên
kia sẽ hồi sinh, và riêng với cuộc hồi sinh nọ, sẽ xua đuổi xa lìa dáng dấp
nô lệ ngày nay. Đôi lần, giữa vắng lặng đêm tăm, bao nhiêu kỷ niệm bỗng
ùa về một lúc, dào dạt tràn đầy như một điệu hát tuổi thơ.
Viên thông ngôn người Maure kể lại với chúng tôi rằng: “Nửa đêm, giữa
canh khuya, lão nhắc tới thành Marrakech rồi lão khóc”. Ai tránh được
những ngậm ngùi hồi tưởng đó, lúc cô đơn! Con người cũ bỗng trở giấc ở
trong mình, không báo trước cho hay. Con người cũ thức dậy, vươn vai,
duỗi dài tay chân trong tứ chi của lão, mò mẫm tìm cái vú con vợ nằm ở
bên hông, giữa sa mạc này không bao giờ có đàn bà bén mảng; Bark lắng
nghe tiếng suối chảy ở nơi này là chốn không bao giờ có suối trôi. Và Bark
mắt nhắm nghiền, tưởng mình ở một ngôi nhà trắng xóa, đêm đêm ngồi
dưới một ngôi sao quen thuộc, chính bây giờ đương ở chỗ thiên hạ cư trú
trong những căn lều vải len thô và đuổi theo hồn gió. Mang nặng trong lòng
những ân tình thân ái đó, những niềm yêu dấu cũ càng đương bí mật rạt rào
lên tiếng như gần gũi đâu đây, Bark tới tìm tôi, Bark muốn bảo với tôi rằng
lão đã sẵn sàng, rằng những niềm thân ái của lão cũng đã sẵn sàng, và lão
chỉ còn có đi trở về tới quê, là đem ra phân phát. Chỉ cần một dấu hiệu của
tôi là đủ. Rồi Bark mỉm cười, vẽ cho tôi cái trước, hẳn là tôi chưa có nghĩ
ra:
- Mai sẽ có tàu… Ông giấu tôi trong máy bay đi Agdir…
- Tội nghiệp lão quá!
Vì chúng tôi đương sống trong vùng phiến loạn lộn xộn vô cùng, làm sao
giúp lão trốn cho êm? Người Maure ngày sau, sẽ rửa hận như thế nào, có
trời mà biết rõ. Cướp bóc và làm nhục nhau như thế, thì chỉ còn có cái nước