Giam thì giam, nhưng tôi cởi lốt nô lệ cho lão. Đó cũng là một cuộc lễ
long trọng. Vị giáo thánh tới, người chủ cũ tới, viên tổng trấn tại Juby là
Ibrahim cũng tới. Ba tay tổ bợm này, nếu gặp lại lão Bark ở cách đồn lũy
hai mươi thước, ắt là dám cắt đầu lão ta như bỡn, dù chỉ là để chơi khăm tôi
một vố cho bõ ghét mà thôi, thế mà lại bước tới tưng tiu lão Bark, lũ lượt
ôm lấy mà hôn thật nồng nàn, và cầm bút ký tên vào tờ khế ước.
- Bây giờ mày là con ta.
Cũng là còn của tôi nữa, theo luật Pháp.
Và Bark hôn tất cả các người cha.
Lão sống trong căn lều một cuộc dịu dàng giam hãm cho tới ngày lên
đường. Lão bảo tôi tả mãi cho lão nghe, hai mươi bận mỗi ngày, cuộc hành
trình dễ dàng sắp tới: lão sẽ bước xuống phi cơ tại Agadir, và tại đó, người
ta sẽ trao cho lão một cái vé Ô-tô-ca đi Marrakech. Bark đóng vai tuồng
người tự do, như trẻ con chơi trò thám hiểm: cái bước đi hướng về cuộc
sống, cái chuyến ô-tô-ca, những đám người đông đúc, những phố phường
lão sắp nhìn trở lại…
Laubergue thay mặt Marchal và Abgrall tới tìm tôi. Không nên để cho
Bark xuống phi cơ rồi chết đói. Bọn họ gửi cho Bark một nghìn quan, nhờ
tôi đưa lại; như vậy Bark có thể sống mà tìm công ăn việc làm.
Và tôi nghĩ tới những bà già trong những hội phước thiện, mỗi khi làm
phước bố thí hai mươi quan thì đòi hỏi lòng tri ân đầy đủ. Các anh thợ máy
phi cơ Laubergue, Marchal và Abgrall, đem cho một nghìn quan, không
theo lối bố thí làm phước, lại càng không có ý đòi hỏi cám ơn. Họ cũng
không vì lòng thương hại, như những bà kia cho của và mong phúc lộc về
sau. Họ chỉ muốn một điều giản dị: trả lại phẩm cách con người cho một
con người. Cũng như tôi, họ quá hiểu rằng, sau cái cơn đê mê được về quê
cũ, người bạn đầu tiên trung thành sẽ bước tới chào đón Bark là cô nàng tên
gọi là túng quẫn, và trong vòng ba tháng tới đây, lão sẽ phải lao khổ hì hục
trên những đường hỏa xa mà ì ạch bứng gốc đường rầy. Lão sẽ vất vả hơn