lúc còn ở sa mạc bên chúng tôi. Nhưng về giữa bà con thân thích mình, lão
phải có được quyền sống-thật-sự là mình chính mình vậy.
- Thôi nhé, lão đi đi, và sống cho ra người nhé.
Chiếc phi cơ rung chuyển sắp khởi hành. Bark nghiêng mình nhìn lần
chót cảnh hoang liêu bát ngát Cap Juby. Quanh phi cơ, hai trăm người
Maure tụ họp để xem cho rõ gương mặt một người nô lệ nó ra như thế nào
trước ngưỡng cửa tự do. Và họ sẽ tóm lão trở lại nếu phi cơ có hỏng máy
một nơi nào đó quanh quất bao xa.
Chúng tôi vẫy tay từ biệt, vĩnh biệt đứa con sơ sinh năm mươi tuổi đầu,
lòng hơi hoang mang giao nó lưu ly vào cuộc thế.
- Vĩnh biệt Bark nhé!
- Không.
- Sao, không?
- Không. Tôi là Mohammed ben Lhaoussin.
Lần cuối cùng chúng tôi được tin tức Bark là nhờ Abdallah, người Ả Rập
chúng tôi đã cậy trông chừng Bark tại Agadir.
Chuyến ô-tô-ca chỉ khởi hành vào chiều tối, nên Bark ở đấy cả ngày. Ban
đầu, lão lang thang thật lâu trong thành phố nhỏ ấy, không nói một lời nào,
Abdallah đoán là lão đương e ngại sự gì. Động lòng mới hỏi:
- Gì thế?
- Không…
Bark choáng váng trong cơn sổ lồng đột ngột, chưa kịp nhận thấy rõ
cuộc hồi sinh. Lão có cảm thấy một thứ hạnh phúc hoang mang, nhưng
ngoài niềm vui đó ra, lão chưa thấy có gì khác biệt giữa Bark hôm qua và
gã Bark hôm nay. Tuy nhiên, từ nay lão bình đẳng chia sẻ với kẻ khác ánh
nắng mặt trời này, và có quyền ngồi đây, tại quán cà phê Ả Rập. Lão ngồi
vào. Lão gọi trà cho lão và cho Abdallah. Đây là cử chỉ vương giả đầu tiên
của lão; oai quyền kia đáng lẽ phải biến dạng con người lão. Nhưng tên bồi
bàn lại chẳng nhìn ra gì ráo, cứ thản nhiên rót trà cho lão, không biết gì về