- Lão tìm chi thế?
- Có chi đâu, Bark đáp.
Nhưng lúc lão vướng phải một đám trẻ con đang nô rỡn ở một đoạn
đường quanh, lão dừng lại. Chính là đây. Lão lặng lẽ nhìn chúng. Rồi quay
lại những cửa hàng Do Thái, lân la một lúc trở về với những món quà mang
đầy nặng hai tay, Abdallah tức bực:
- Ngốc quá ta, giữ tiền mà tiêu chớ.
Nhưng Bark chẳng nghe gì nữa hết. Trịnh trọng một cách, lão ra dấu cho
từng đứa một lại gần. Và những bàn tay tí hon chìa ra đón lấy những đồ
chơi, những vòng xuyến, những chiếc hài thêu kim tuyến long lanh. Và bọn
trẻ con từng đứa nắm chặt phần mình rồi, liền chạy mất, thật man di.
Trẻ con khác trong thành hay tin, xô nhau ù chạy tới tìm. Bark đem hài
thêu kim tuyến ra xỏ vào bàn chân chúng. Rồi trẻ con ở các vùng quanh
quất Agadir tới lượt bén tin nao nức cũng reo hò đổ tới, không ngớt kêu la
tới bên đấng Chí Tôn Thần Linh da đen mà bám, bu vào nát cả y phục nô lệ
xác xơ, mà đòi phần sẻ chia thích đáng. Bark tan tành sự nghiệp. Hỡi ôi!
Abdallah cho là lão ta “điên vì vui quá”. Nhưng tôi nghĩ rằng sự vụ
không phải thế, không phải rằng Bark vì ngập tràn vui sướng mà san sẻ
chia ra.
Nhân vì được tự do, lão nắm đủ trong tay những của cải cốt thiết: cái
quyền được kêu gọi yêu mến về, cái quyền được bước đi tùy hứng, ngoảnh
về Bắc hoặc ngó về Nam, cái quyền kiếm cơm ăn bằng mồ hôi hay nước
mắt. Thì cần chi nữa cái số bạc lửng lơ này… Trong khi tâm thần thể phách
cùng hoài cảm thiết tha (như thiết tha thèm ăn lúc đói) cái nhu cầu được
làm một con người giữa hàng vạn con người, được cùng mọi con người kết
liền một khối. Những vũ nữ tại Agadir đã tỏ ra dịu dàng với lão, nhưng lão
giã từ họ mà chẳng bận bịu lòng, lờ lững lúc đi như lờ lững lúc đến; họ có
cần gì tình quyến luyến của lão đâu. Chú bồi bàn trong quán Ả Rập nọ, kẻ
qua lại bên đường kia, thảy thảy cùng tôn trọng con người tự do ở nơi lão,
cùng lão bình đẳng chia sẻ ánh mặt trời, nhưng không một kẻ nào đã tỏ ra