"Nhưng ngay cả Gana cũng chưa phải là vương quốc da đen giàu
nhất!" cụ thốt lên. "Đích thực giàu hơn cả đích thực lâu đời hơn cả, chính là
vương quốc Mali cổ xưa!". Như các vương quốc khác, Mali có những đô
thị, những nông dân, thợ thủ công, thợ rèn, thợ thuộc da, thợ nhuộm và thợ
dệt, cụ già graiốt nói. Nhưng của cải như núi của Mali là do những con
đường thông thương dài rộng phục vụ việc buôn bán muối, vàng và đồng
đỏ. "Đi khắp Mali, chiều dài mất bốn tuần trăng, chiều rộng mất bốn tuần
trăng", vị graiốt nói, "thành phố lớn nhất là Timbutku thần kỳ!" Là trung
tâm học vấn của toàn châu Phi, Timbutku có hàng ngàn học giả, hơn nữa lại
không ngừng tiếp đón các nhà thông thái nườm nượp tới thăm để nâng cao
kiến thức - nhiều đến nỗi một số thương gia xụ nhất chẳng bán được gì
ngoài dây da và sách. "Không có một giáo trưởng nào, không một thầy giáo
nào dù ở làng nhỏ nhất, mà vốn kiến thức không bắt nguồn, chí ít là một
phần, từ thành phố Timbutku", vị graiốt nói.
Cuối cùng khi kintangô đứng lên cảm ơn vị graiốt đã hào hiệp chia sẻ
những kho tàng trí tuệ của mình cho thầy trò ông. Kunta cùng những đứa
khác lần đầu tiên từ khi chúng đến trại - dám thực sự nói lên nỗi bất mãn
của mình vì đã đến giờ phải đi ngủ. Kintangô đành làm ngơ, bỏ qua sự láo
xược ấy, ít nhất là trong lúc này, và nghiêm nghị ra lệnh cho chúng về lều,
tuy nhiên, trước đó, chúng đã tranh thủ được cơ hội xin ông mời vị graiốt
trở lại thăm chúng một lần nữa.
Sáu ngày sau, chúng vẫn còn đang suy nghĩ và bàn tán về những câu
chuyện kỳ diệu mà vị graiốt đã kể cho chúng nghe, thì có tin một vị môrô
trứ danh sắp đến thăm trại. Môrô là một cấp đại sư cao nhất ở Gămbia, thật
vậy chỉ có một số ít đại sư và sau bao vụ mưa học tập nghiên cứu, họ trở
nên uyên bác đến nỗi nhiệm vụ của họ không phải là chỉ dạy học trò mà cả
các thày giáo như arafang của làng Jufurê.
Ngay cả kintangô cũng tỏ ra quan tâm khác thường đối với vị khách
này, ông ra lệnh dọn thật sạch toàn thể khu trại, cào hết rác bẩn rồi lấy cành