ngập đến mắt cá chân, có khi đến gần đầu gối và thậm chí phải dùng xuồng
để đi lại. Kunta nghe thấy Binta bảo Ômôrô là các ruộng lúa bị nước sông
lên cao làm ngập. Vừa đói vừa rét, những ông bố của đám trẻ hầu như ngày
nào cũng đem dê, bò quý tế Chúa Ala, lợp vá víu những mái dột, chống lại
những lều bị xụt - và cầu cho số dự trữ lúa và kê đang vơi dần có thể đậu
đến vụ gặt.
Nhưng Kunta và những đứa khác, vốn còn là con nít không chú ý đến
những cơn đói cồn cào trong bụng mà chỉ mải chơi đùa trong bùn, vật nhau
và trượt trên cái đít trần của chúng. Tuy nhiên, trong nỗi mong ngóng được
thấy lại mặt trời, chúng thường huơ tay lên phía bầu trời xám xịt màu chì và
gào lên - như chúng vẫn thấy bố mẹ làm thế - "Mặt trời ơi, hãy chiếu sáng,
tôi sẽ xin tạ người một con dê!".
Đợt mưa mang lại nguồn sống đã làm cho mọi thứ gì mọc được lớn
được, đều trở nên tươi mát và sum suê. Chim hót khắp mọi nơi. Cây cối nở
rộ hoa thơm lừng. Mỗi buổi sáng, lớp bùn nâu đo đỏ dính bết dưới chân, lai
được phủ một tấm thảm mới bằng những cánh hoa rực rỡ màu sác và những
lá xanh do trận mưa đêm trước làm rụng xuống. Nhưng giữa tất cả sự tốt
tươi đó của thiên nhiên, bệnh tật vẫn cứ lan tràn đều trong dân làng Jufurê,
vì trong số những cây trồng đang lớn lên mây mẩy, vẫn chưa có loại nào đủ
chín để ăn được. Người lớn cũng như trẻ con thường giương con mắt đói
nhìn hàng ngàn trái xoài và bao báp mầm mẫm trĩu nặng trên cành, những
quả xanh rắn như đá, ai cắn vào đều nôn nao khó chịu và mửa liền.
"Chỉ còn da bọc xương", mỗi lần thấy Kunta, bà nội Yaixa đều tặc lưỡi
rất to mà kêu lên như thế. Nhưng thực ra bà nội của Kunta cũng gầy rộc
chẳng khác nó mấy; bởi vì kho của mọi nhà ở Jufurê giờ đây đều rỗng
tuếch. Còn lại chút ít gia súc, dê, gà trong làng, chưa ăn đến hoặc chưa đem
tế, thì phải giữ cho chúng sống, nuôi chúng, để sang năm có một lứa con
mới. Thành thử dân làng bắt đầu ăn đến các loài gặm nhấm, rễ và lá cây,