Trong tất cả bọn họ, chỉ có số phụ nữ và trẻ con còn lại là tương đối
khỏe mạnh, họ không bị cùm xích dưới hầm tối với mọi thứ bẩn thỉu, hôi
thối, chuột bọ và truyền nhiễm. Người phụ nữ sống sót lớn tuổi nhất vào
trạc Binta tên là Mbutô, một người Manđinka ở làng Kêrêoan; tư thế bà
đường hoàng và trang nghiêm đến nỗi thậm chí trong sự khỏa thân, bà vẫn
như đầy đủ xiêm y. Ngay cả bọn tubốp cũng không dám ngăn bà đi lại, an
ủi những tù nam nằm liệt trên boong, xoa ngực và trán hầm hập sốt của họ.
"Mẹ! Mẹ!" Kunta thì thào khi cảm thấy bàn tay êm ái của bà, và một người
khác, yếu quá không nói được, chỉ hé miệng trong một cố gắng để mỉm
cười.
Cuối cùng, thậm chí Kunta không thể ăn được nếu không có người
bón. Các bắp thịt ở vai và khuỷu tay anh tướp ra đến nỗi anh không thể
nhấc nổi tay để vục vào xoong thức ăn. Bây giờ, tù nhân thường được cho
ăn ở trong boong và một hôm Kunta đang cào cào móng tay để với qua
mép xoong thì tên tubốp mặt sẹo trông thấy. Hắn sủa ra một mệnh lệnh cho
một tên cấp dưới ấn một cái ống rỗng vào miệng Kunta và đổ cháo vào đó.
Sặc sụa với chiếc ống, Kunta vừa phì nhớt rãi vừa cố nuốt ực đi, rồi quều
quào nằm xấp bụng xuống.
Trời càng ngày càng nóng và ngay cả trên boong, mọi người vẫn thấy
ngột ngạt mệt nhoài trong không khí lặng tờ. Nhưng sau một ít ngày nữa,
Kunta bắt đầu cảm thấy một hơi gió mát. Những tấm vải lớn trên các cột
cao lại bắt đầu lật phật và chẳng bao lâu đã phất phới trong gió. Đám tubốp
trên đó lại nhảy nhót như khỉ và phút chốc, con xuồng lớn rẽ nước băng
băng, bọt cuộn lên trắng xóa ở đằng mũi.
Sáng hôm sau, nhiều tubốp hơn mọi khi xầm xầm đi xuống qua cửa
hầm và sớm hơn bao giờ hết. Với một niềm phấn khởi lớn biểu lộ qua lời
nói và cử chỉ, chúng hối hả chạy dọc theo những lối đi, tháo xiềng cho tù
nhân và hấp tấp dìu họ lên boong. Lập cập bước qua cửa hầm sau một số
người đi trước, Kunta hấp háy mắt trong ánh nắng ban mai, rồi nhìn thấy