thành hàng cho chạy thi và lấy que động viên con nào chạy nhanh nhất ra
khỏi một vòng tròn vạch trong đống rác. Một hôm khác, Kunta và Xitafa
Xila, thằng bạn đặc biệt của nó ở cạnh lều Binta, tiến công một gò đất, đào
lên trục xuất lũ mối mù lòa, không có cánh, sống trong đó và ngắm nhìn
chúng túa ra hàng nghìn con, cuống cuồng tháo chạy.
Đôi khi, bọn trẻ xua xục những con sóc nhỏ và rượt đuổi chúng vào
tận rừng bụi rậm. Và bọn chúng không khoái gì hơn là vừa la thét vừa ném
đá vào những bầy khỉ nhỏ lông nâu, đuôi dài, kéo nhau đi qua, có khi một
vài con ném trở lại một hòn đá rồi mới quăng mình theo anh em chúng
đang kêu chí chóe, lên những cành cây cao nhất. Ngày nào bọn trẻ con trai
cũng đánh vật, túm lấy nhau, gầm gừ, giành từng miếng xoài ra rồi lại bật
dậy bắt đầu keo khác, mỗi đứa đều mơ tới ngày trở thành một tay đô vật vô
địch của làng Jufurê và được chọn đi dự những cuộc giao đấu kịch liệt với
các kiện tướng các làng khác trong những dịp hội mùa.
Những người lớn đi ngang qua bất kỳ chỗ nào gần đám nhóc thường
trịnh trọng làm ra vẻ không nhìn thấy hoặc nghe thấy gì, trong khi Xitafa,
Kunta và những dứa cùng lứa tuổi gầm thét như sư tử, như voi và hầm hè
như lợn rừng, hoặc trong khi bọn con gái - chơi nấu nướng, chăm chút
những con búp bê và giã mạch kê - đóng vai những người mẹ, người vợ.
Nhưng dù đang chơi hăng đến đâu, bọn trẻ cũng không khi nào thiếu tôn
kính đối với mọi người lớn, sự tôn kính mà mẹ chúng đã dạy là bao giờ
cũng phải bày tỏ với các bậc cha anh. Lễ phép nhìn thẳng vào mắt những
người lớn, lũ trẻ hỏi: Kêrabê? (ông, hoặc bà, chú, bác, cô dì v.v… có được
bằng an không ạ) và người lớn bèn đáp: Kêra dorong (vừa đủ, bằng an). Và
nếu một người lớn chìa tay ra, lần lượt mỗi đứa trẻ phải đưa cả hai tay xiết
chặt lấy, rồi đứng chắp lòng bàn tay lên ngực cho đến khi người lớn đó đi
qua.
Việc dạy dỗ Kunta trong gia đình chặt chẽ đến nỗi nó cảm giác là nhất
cử nhất động của nó đều khiến Binta bực dọc bật ngót tay tanh tách - nếu