một vật bằng gỗ hình dáng còn kỳ dị hơn, màu nâu sáng, có một cái cổ dài
mảnh màu đen và bốn sợi dây nhỏ, rất căng, chạy gần suốt chiều dài của
nó. Y như cái đàn anh đã nghe ông lão ở cái trại nọ chơi.
"Vĩ cầm!" bác da nâu kêu lớn.
Vì chỉ có hai người với nhau, Kunta quyết định cứ nói thử xem. Anh
lặp lại hai âm đó: "Vĩ cầm".
Vẻ hài lòng, cha da nâu cất cây vĩ cầm và đóng hộp lại. Đoạn, nhìn
quanh, bác chỉ: "Xô!" Kunta nhắc lại, ghi trong đầu vật ấy. "Bây giờ đến:
nước!" Kunta nhắc lại.
Sau khi dạy thêm tới hơn hai chục chữ mới, cha da nâu lặng lẽ chỉ vào
cây vĩ cầm, cái xô, nước, cái ghế tựa, vỏ ngô và nhiều đồ vật khác, với bộ
mặt tra vấn, chờ Kunta nhắc lại đúng từng chữ dùng để gọi tất cả những thứ
đó. Một số tên gọi, anh mau mắn nhắc lại được ngay; anh lúng túng với
một số chữ khác và được uốn nắn, và có vài tiếng, anh hoàn toàn không
nhớ nổi. Bác da nâu nhắc lại cho anh nhớ những tiếng này, rồi bắt ôn lại tất
cả "Mầy không đến nỗi đần độn như nhìn bề ngoài", đến bữa chiều bác lẩm
bẩm nói vậy.
Các bài học tiếp tục suốt những ngày sau và kéo dài thêm hàng tuần.
Kunta ngạc nhiên khám phá ra rằng mình không những có thể hiểu mà còn
làm cho bác da nâu hiểu mình qua một cách diễn đạt thô sơ. Và điều chủ
yếu anh muốn bác ta hiểu, là lý do tại sao anh không chịu khước từ tên
mình hoặc những gì tổ tiên để lại và tại sao anh thà chết tự do còn hơn sống
trọn cuộc đời của kẻ nô lệ. Anh không đủ chữ để nói lên ý đó như mình
mong muốn, song anh biết bác da nâu vẫn hiểu, vì thấy bác ta cau mày và
lắc đầu. Sau đó không lâu, một buổi chiều khi tới lều bác da nâu, Kunta
thấy một người khác đã ngồi ở đó. Đó là ông già thỉnh thoảng anh vẫn
trông thấy cuốc mảnh vườn hoa gần ngôi nhà lớn. Liếc nhìn thấy bác da
nâu gật đầu tán thành, Kunta ngồi xuống.