ông chủ mặc com-lê trắng vẫn đứng quanh quẩn, bình thản chuyện trò hàng
tiếng đồng hồ, tay cầm xì-gà dài khoa khoa làm điệu bộ, thỉnh thoảng lại
nhấm nháp những cốc rượu vang, lấp lánh trong ánh sáng của cây đèn
chùm treo trên đầu, trong khi các bà vợ, lộng lẫy trong những chiếc áo dài
đẹp, ve vẩy mù xoa và che quạt cười điệu.
Lần đầu tiên đưa me-xừ đến một trong những "cuộc hoa hòe hoa sói
nhí nhố" ấy - như Bel thường gọi - Kunta ngợp lên với những cảm xúc trái
ngược, kính sợ, bất bình, thèm muốn, khinh bỉ, say mê, ghê tởm - nhưng
trên hết là một nỗi cô đơn, u buồn sâu sắc mà anh phải mất gần một tuần
mới hồi hồi lại được. Anh không thể tin rằng một sự giàu sang kỳ lạ đến thế
lại có thật, rằng người ta thật sự sống như vậy. Phải mất một thời gian dài
và qua rất nhiều cuộc liên hoan nữa, anh mới vỡ lẽ ra rằng họ không sống
như vậy, rằng mọi cái đó là hư ảo một cách lạ lùng, một thứ mơ mộng
huyền diễm của người da trắng, một sự dối trá họ đang nói với nhau: là cái
tốt lành có thể từ cái xấu mà ra, là họ có thể văn minh với nhau mà không
cần đối xử như con người đối với những kẻ đã đem máu, mồ hôi và sữa mẹ
tạo nên cuộc sống đặc quyền đặc lợi họ đang sống.
Kunta đã tính chia sẻ những ý nghĩ đó với Bel hoặc ông lão làm vườn,
song anh biết mình không thể tìm ra lời lẽ thích đáng bằng tiếng tubốp để
diễn đạt. Dù sao cả hai cũng đã sống ở đây cả đời và không thể trông mong
là họ nhìn những cái đó như anh nhìn, với con mắt của một kẻ ngoại cuộc -
của một người bẩm sinh tự do. Cho nên, như mọi lần nghĩ về những chuyện
như vậy, anh giữ kín trong lòng - và chợt thấy mình ước ao đừng bị cô đơn
đến thế, ngay cả sau ngần ấy năm.
Khoảng ba tháng sau, me-xừ Uolơ - "cùng ví hầu hết dững ai là ông
nọ bà kia ở bang Vơginia", theo lời bác vĩ cầm - được mời đến dự cuộc Vũ
hội ngày Lễ Tạ Ơn mà hằng năm cha mẹ ông ta vẫn tổ chức ở Enfin. Tới
muộn vì, như thường lệ, me-xừ vẫn dừng lại thăm bệnh nhân trên đường đi,
Kunta nghe thấy cuộc liên hoan đã đang diễn ra rôm rả trong khi cỗ xe lọc