nghị để tất cả người da đen - cả tự do lẫn nô lệ - hồi hương hàng loạt về
Châu Phi. Chỉ nghĩ thế, Kunta đã phấn khởi, tuy anh vẫn dè bỉu rằng điều
đó có thể không bao giờ xảy ra vì các me-xừ chẳng những đua nhau mua
người da đen mà còn trả những giá cao hơn bao giờ hết. Tuy anh biết bác vĩ
cầm hồ như thà ở lại Vơginia làm nô lệ còn hơn đi Châu Phi làm người tự
do. Kunta vẫn muốn có thể bàn chuyện đó với bác, vì bác vĩ cầm dường
như bao giờ cũng thông thạo mọi điều cần biết về những gì đang diễn ra ở
bất cứ nơi nào, nếu như sự việc ấy có liên quan đến tự do.
Nhưng đã gần hai tháng, Kunta độc chỉ quàu quạu với bác vĩ cầm
cũng như với Bel và ông lão làm vườn. Cố nhiên, không phải anh cần họ
hoặc thậm chí ưa thích họ đến thế - nhưng cái cảm giác bị mắc cạn cứ tăng
mãi lên trong anh. Đến lúc tuần trăng tiếp theo vừa khởi và anh ảo não bỏ
một hòn sỏi nữa vào chiếc vỏ bầu, Kunta cảm thấy cô đơn khôn xiết tả, tựa
hồ anh đã tách rời mình ra khỏi thế giới.
Lần sau trông thấy bác vĩ cầm đi qua, Kunta lấp lửng, gật đầu với bác,
nhưng bác vĩ cầm vẫn bước tiếp như không trông thấy ai. Kunta vừa giận
vừa bối rối. Ngày hôm sau anh và ông lão làm vườn trông thấy nhau cùng
một lúc và vẫn đi như thường không lỡ bước nào, ông già rẽ sang hướng
khác. Vừa phật ý vừa chua xót - và với một cảm giác phạm lỗi mỗi lúc một
tăng - đêm ấy, Kunta đi đi lại lại trong lều hàng giờ liền. Sáng hôm sau,
ráng hết sức tự chủ, anh tập tễnh ra ngoài và đi xuôi xóm nô đến cửa căn
lều cuối từng đã thân thuộc một thời. Anh gõ cửa.
Cửa mở. "Muốn gì?" bác vĩ cầm lạnh lùng hỏi.
Bối rối nuốt khan đánh ực, Kunta nói: "Nhân tiện tui đi qua ghé vào".
Bác vĩ cầm nhổ toẹt xuống đất "Nè nhọ, bi giờ nghe tau nói nhá, Tau
mí Bel, mí ông già đã bàn về mầy. Và tất cả bọn tau nhất trí rằng nếu có cái
gì bọn tau không chịu nổi, thì đó là một thằng nhọ tính khí thất thường".