trước khi lão ăn thực sự. Ban ngày, lão cưỡi ngựa lảng vảng khắp các cánh
đồng và ban đêm, ngồi ở cổng ôm một cây súng ngắn trong lòng - sự cảnh
giác của lão tuyệt đối đến mức mọi người trong xóm nô thậm chí không
dám bàn đến cuộc nổi dậy nọ, nói chi đến chuyện toan tính kế hoạch dấy
loạn của chính mình. Sau khi nhận được và đọc báo Gazet số tiếp đó, mexừ
Jon bỏ vào lò sưởi đốt liền, và khi một ông chủ ở vùng kế cận tới thăm vào
một buổi chiều, lão ta ra lệnh cho Bel ra khỏi nhà và hai lão chụm đầu nói
chuyện với nhau trong thư phòng, cửa sổ đóng kín mít. Thành thử không ai
mò ra được thêm chi tiết về vụ âm mưu, nhất là về hậu quả của nó, mà đó
là điều khiến Bel và các người khác lo phát ốm - không phải lo cho Kunta,
vì anh đi cùng ông chủ tất là phải an toàn rồi, mà cho bác vĩ cầm ra đi vào
hôm trước buổi hòa nhạc tại một vũ hội lớn ở Richmơnđ. Những người ở
xóm nô chỉ còn nước tưởng tượng ra điều gì có thể xảy đến với những kẻ
xa lạ da đen bị rơi vào tay đám da trắng hốt hoảng, điên khùng.
Bác vĩ cầm vẫn chẳng thấy tăm hơi khi Kunta và ông chủ trở về - sớm
hơn ba ngày - chuyến đi bị rút ngắn vì cuộc nổi dậy. Lát sau cùng ngày hôm
đó, mexừ Jon đi khỏi, những kiềm chế do lão áp đặt được nới đôi chút, tuy
nhiên không phải là hoàn toàn, và ông chủ rất lạnh lùng với tất cả mọi
người. Mãi đến khi Kunta và Bel chỉ còn một mình trong lều, anh mới có
thể kể cho chị nghe những điều anh nghe lỏm được ở Friđiricxbơg: những
người da đen nổi loạn, sau khi bị bắt, liền bị tra tấn lấy cung để giúp các
nhà chức trách quây bắt những người khác có liên can và một số đã thú
nhận rằng cuộc nổi loạn được mưu tính bởi một gã thợ rèn tự do tên là
Ghêbriơl Proxơ; anh ta đã chiêu mộ vào khoảng hai trăm người da đen lựa
chọn kỹ càng - đầu bếp, làm vườn, gác cổng, hầu bàn, thợ sắt, bện dây
thừng, thợ mỏ, chèo thuyền, thậm chí cả mục sư truyền giáo nữa - và huấn
luyện họ trong hơn một năm. Proxơ vẫn ở ngoài vòng và dân cảnh vẫn
đang chà đi xát lại vùng nông thôn lùng bọn khả nghi, Kunta kể vậy; bọn
"tuần cha" da trắng khố rách áo ôm đang ruồng bố các lộ; và nghe đồn một
số ông chủ, vô cớ hoặc vì chuyện rất nhỏ, đã đánh nô lệ đến chết.