Tiếng trống loan tin dừng lại, Lamin hỏi rối rít: "Đúng là các bác của
chúng ta đấy chứ? Cái chỗ ấy ở đâu? Liệu rồi bố có đến đó không?" Kunta
không trả lời. Thật vậy, khi Kunta chạy xuyên qua làng như tên bắn về phía
lều jaliba, nó hầu như không nghe thấy thằng em nói gì. Nhiều người khác
đã tụ tập ở đấy - rồi Ômôrô tới, đằng sau là Binta với cái bụng kềnh càng.
Mọi người nhìn Ômôrô và gã jaliba nói với nhau mấy câu ngắn và Ômôrô
biếu anh ta một món quà. Cái trống đàm thoại đặt ở gần một đống lửa nhỏ,
mặt bằng da dê được hơ nóng, căng đến tột độ. Phút chốc đám đông thấy
đôi tay jaliba nện trống truyền đi câu trả lời của Ômôrô rằng theo ý Chúa
Ala, anh sẽ có mặt tại khu làng mới của hai ông anh trước tuần trăng sau
nữa. Trong những ngày tiếp theo, Ômôrô đi đâu dân làng cũng tấp nập xúm
quanh chúc mừng và cầu phước cho ngôi làng mới mà lịch sử sẽ ghi lại là
do thị tộc Kintê sáng lập nên.
Chỉ còn mấy ngày nữa là Ômôrô lên đường thì một ý nghĩ táo tợn đến
mức hầu như không tưởng tượng được chợt xâm chiếm Kunta. Liệu có chút
mong manh hy vọng nào bố nó bằng lòng cho nó đi cùng không nhỉ? Kunta
không thể nghĩ đến điều gì khác. Nhận thấy sự trầm lặng khác thường của
nó, các bạn chăn dê, kể cả Xitafa, đều để cho Kunta yên. Và đối với thằng
em tôn sùng nó, Kunta trở nên cáu bẳn đến nỗi ngay cả Lamin cũng phải
phật ý và bối rối tránh xa. Kunta biết là mình hành động không phải và cảm
thấy ân hận, nhưng nó không thể làm khác được.
Nó biết là thỉnh thoảng có thằng may mắn được phép cùng đi một
chuyến viễn du với bố, với chú, bác hoặc với anh trai lớn. Song nó cũng
biết những thằng như thế đều không còn ở cái tuổi non nớt tám vụ mưa như
nó, trừ trường hợp một số thằng bé không cha được những đặc quyền theo
luật lệ của tổ tiên truyền lại. Một thằng bé như vậy có thể bám sát bất kỳ
người đàn ông nào và người này sẽ không bao giờ phản đối việc chia sẻ với
nó bất cứ cái gì mình có - dù anh ta đang làm một chuyến đi kéo dài hàng
tuần trăng - chừng nào thằng bé còn theo sau, cách anh ta đúng hai bước,