"Các người đi đâu thế?" chúng lao xao hỏi, chen chúc hai bên Kunta.
"Có phải bố mày đấy không?" "Bố con mày là người Manđinka phải
không?" "Làng mày là làng gì?" Dù rất mệt, Kunta vẫn cảm thấy rất già dặn
và quan trọng nó tỉnh bơ bọn kia, y hệt như bố nó vậy.
Đến gần mỗi cây lữ khách, con đường thường rẽ đôi, một ngả dẫn vào
làng, ngả kia đi qua ngoài làng để cho người nào không có việc gì ở đó cứ
tiếp tục đi mà không bị coi là khiếm nhã. Khi Ômôrô và Kunta rẽ vào ngả
đi qua phía ngoài làng, bọn trẻ con thất vọng kêu lên, còn những người lớn
ngồi dưới cây bao-báp của làng chỉ đưa mắt nhìn các lữ khách, vì tất cả còn
tập trung chú ý vào một ông già kể sử mà Kunta nghe thấy đang lớn tiếng
diễn thuyết về sự vĩ đại của người Manđinka. Kunta nghĩ bụng: chắc sẽ có
khối ông già kể sử, người hát ngợi và nhạc công tại lễ cầu phước cho làng
mới của hai bác nó.
Mồ hôi bắt đầu chảy vào mắt Kunta, khiến nó cứ phải hấp háy cho đỡ
xót. Từ lúc hai cha con khởi hành, mặt trời mới đi qua một nửa bầu trời, thế
mà chân nó đã đau tợn và cái bọc đội đầu đã trở nên nặng đến nỗi nó bắt
đầu nghĩ là mình sắp sửa quỵ, không chịu nổi nữa. Một cảm giác kinh
hoàng dâng lên trong nó khi Ômôrô đột nhiên dừng lại và lẳng cái bọc đội
đầu của mình xuống đất, bên một con hố trong leo lẻo cạnh đường đi.
Kunta đứng một lúc, cố kềm chế đôi chân run rẩy. Nó túm chặt lấy cái bọc
đội đầu để hạ xuống, nhưng nó tuột khỏi tay, rơi đánh bịch một cái. Lòng
rầu rĩ nó biết là cha đã nghe thấy - nhưng Ômôrô đã quỳ xuống uống nước
ở lạch, thậm chí không tỏ dấu hiệu gì là có con trai mình ở đó nữa.
Trước đó, Kunta không nhận ra là mình khát đến mức độ nào. Bước
thấp bước cao bên bờ nước, nó quỳ xuống để uống nhưng chân nó không
chịu gập theo tư thế ấy. Sau khi cố thử lần nữa vẫn không được, cuối cùng
nó đành nằm áp bụng xuống, chống hai khủy tay và xoay xở áp miệng
xuống được làn nước.