Nếu con bạn biểu hiện một số đặc tính này thì đó là dấu hiệu cho biết
chúng thiếu đi lòng tự trọng.
NHỮNG VẤN ĐỀ TRONG NUÔI DAY TRẺ THIẾU LÒNG TỰ
TRỌNG
Trẻ thiếu đi lòng tự trọng thường nuôi dưỡng những hình ảnh tiêu cực
về bản thân thông qua việc khái quát hóa những hành vi và hậu quả trong
quá khứ của mình. Ví dụ, nếu chúng liên tục “ăn ngỗng” trong các bài thi
Toán, chúng sẽ dần dần đi đến chỗ đinh ninh rằng
“Mình dốt Toán đứt đuôi
con nòng nọc”
. Trẻ chưa đủ trưởng thành về nhận thức để biết rằng chúng
bị nhiều điểm 2 môn Toán là vì chúng chưa nắm được các phương pháp học
tập đúng đắn hay đơn giản là chưa cố gắng đủ để đạt điểm cao hơn.
Mặt khác, những người bạn trẻ của chúng ta thường đem mình so sánh
với các bạn khác, hoặc thậm chí với cả những ngôi sao tuổi teen, ví dụ như
trong phim “High School Musical” để thấy mình không đẹp, không tài,
không học giỏi, không mạnh mẽ và không có gì đặc sắc. Đó là những cơ sở
sai lầm để chúng tự đánh giá mình thấp kém hơn so với người khác. Nhưng
người lớn chúng ta biết rõ rằng mỗi đứa trẻ trên đời đều có nét đáng yêu, có
điểm đặc sắc riêng và đều có khả năng trở thành nhân tài nếu biết rõ mình
đang sở hữu cái gì và có quyết tâm vươn lên. Tuy nhiên, khi trẻ chỉ thấy
những điểm yếu kém so với bạn bè thì cũng là lúc chúng bắt đầu hạ thấp
bản thân mình và đánh mất đi lòng tự trọng.
Với tư cách là cha mẹ, chúng ta có “đóng góp” gì trong việc con mình
đánh mất lòng tự trọng không? Thật đáng tiếc, câu trả lời là có. Trong nhiều
trường hợp, cha mẹ có “công lớn” trong việc khiến cho con cái hạ thấp bản
thân mình. Thông thường thì khi cha mẹ có cách hành xử như sau sẽ khiến
trẻ củng cố niềm tin tiêu cực rằng,
“Mình thật sự chẳng bằng ai”, “Mình
chỉ là đồ bỏ”
.