Chương II
Franklin H.Wheeler nằm trong nhóm số ít người đang làm
nóng lại tình hình. Anh làm vậy với nỗi buồn đầy hối tiếc và cũng
vì những gì anh cho là chân giá trị, rụt rè trên lối đi ra đến cửa sân
khấu anh luôn mồm nói “Xin thứ lỗi... Xin thứ lỗi”, vừa gật đầu và
mỉm cười với tất cả những khuôn mặt mà anh biết vừa cho một tay
vào túi quần để giấu giếm việc anh đã cắn móng tay trong suốt
cả buổi diễn.
Trông anh gọn gàng và săn chắc, một vài ngày nữa là đến tuổi
ba mươi, với mái tóc đen cắt ngắn và một vẻ đẹp không phô trương
mà nhà nhiếp ảnh quảng cáo thường hay dùng để xây dựng hình
tượng người tiêu dùng sáng suốt trong việc sử dụng hàng tốt mà
không cần phải mua đồ đắt tiền (Mà tại sao lại phải trả tiền
nhiều hơn?). Nhưng trên tất cả, vì sự thiếu hụt nét độc đáo về
cấu trúc, khuôn mặt anh có tính biến đổi khác thường: nó có thể
diễn tả hoàn toàn những cá tính khác nhau dưới những góc độ biểu
cảm. Khi cười, anh là một người đàn ông hiểu rõ không có gì đáng lo
ngại về sự thất bại của một vở kịch nghiệp dư, một người đàn ông
tốt bụng, hóm hỉnh đã biết dùng từ thật chính xác trong việc động
viên vợ mình ở đằng sau sân khấu; nhưng khoảng thời gian giữa
những nụ cười của anh, khi anh nhún vai qua đám đông bạn có thể
nhìn thấy sự bồn chồn hoang mang đã dần bám sâu trong đôi
mắt anh, và dường như còn hơn cả như thế, chính anh lại là người
đang cần sự động viên.
Sự cố là suốt buổi chiều hôm đó ở thành phố, tự mâu thuẫn
với chính những gì anh định nghĩa “công việc ngớ ngẩn nhất mà bạn
có thể tưởng tượng,” anh đã dồn hết tâm trí vào việc dự đoán ra
viễn cảnh tối nay: anh sẽ chạy vội về nhà tung các con lên trời và