Theo như ghi chép của một nghiên cứu gần đây, nhiều khu vực ở Việt Nam
“nằm trong số những môi trường bị tác động thường xuyên và lâu đời nhất
trên thế giới”.
Các nhà khoa học phản đối chiến tranh diệt cỏ hiểu rất rõ điều này. Họ
không cố gắng “bảo vệ” một “khu vườn địa đàng” mơ mộng nào đó khỏi sự
ảnh hưởng của con người, họ chống lại chiến dịch Ranch Hand là để bảo vệ
chính những người bằng xương bằng thịt ở vùng bị phun thuốc. Arthur
Galston, giáo sư sinh vật học tại đại học Yale, đã nhấn mạnh điều này trong
phát biểu của mình khi ông đưa khái niệm “nạn hủy diệt sinh thái” vào hệ
thống từ vựng hiện đại:
“Dường như đối với tôi, sự tàn phá môi trường có chủ đích trong thời gian
dài ở nơi người ta có thể sống theo cách họ muốn, giống như một tội ác
chống lại loài người, mà tôi gọi là“sự hủy diệt sinh thái”… Hiện tại, Mỹ là
nước duy nhất có lẽ đang gây ra nạn hủy diệt sinh thái đối với một đất nước
khác là Việt Nam, thông qua việc sử dụng những hóa chất gây rụng lá và
thuốc diệt cỏ với số lượng lớn”.
Vào cuối những năm 60, các quan chức quân đội Mỹ quyết định dùng
cách tiếp cận khác để làm dịu đi dư luận khoa học về chiến tranh diệt cỏ.
Đây là một hướng đi tất yếu; bởi những cố gắng trước đây để ngăn cách hay
thậm chí đánh lừa các nhà khoa học đang lo sợ về một thảm họa sinh thái đã
không thể khiến họ quên đi chiến dịch Ranch Hand. Dù sao đi nữa chiến
lược đó đã phản tác dụng. Vì thế, các quan chức quân sự đã chấp nhận cho
phép các nhà khoa học của chính phủ tiến hành phân tích chương trình thuốc
diệt cỏ về mặt sinh thái. Vào tháng Một năm 1968, C. E. Minarik, giám đốc
của phòng nghiên cứu khoa học thực vật tại Fort Detrik (một điểm nghiên
cứu thuốc diệt cỏ của quân đội khá lâu đời), đã đưa ra một bản báo cáo tại
một hội thảo hàng năm của khu vực Đông Bắc về việc kiểm soát cỏ dại. Sau
bài thuyết trình của Minarik vài ngày, MRI cũng công bố báo cáo của mình.
Bản báo cáo của Minarik đặc biệt nhấn mạnh giá trị quân sự của chiến
tranh diệt cỏ và cho rằng nguy cơ Việt Nam phải chịu những tác hại sinh thái
lâu dài là rất thấp. Minarik cũng chỉ ra những lợi ích bất ngờ của việc làm
rụng lá: ông ta cho rằng chiến dịch Ranch Hand đã giúp những người lái đò