khai mạnh mẽ của ông về bản báo cáo của MRI cho thấy rằng ông sẽ không
vì làm việc cho chính phủ mà thay đổi những đánh giá khoa học của mình.
Tschirley dành một tháng để nghiên cứu tại thực địa, bắt đầu từ giữa tháng
Ba 1968. Ngay trước khi có kết quả nghiên cứu, chuyến đi của ông vẫn là
một thành công đối với Pfeiffer và đồng sự, vì nó chứng tỏ rằng quân đội có
đủ khả năng hậu cần và thiện chí chính trị để hỗ trợ một cuộc nghiên cứu
khoa học trong vùng địch.
Các cán bộ quan hệ công chúng của Mác-vi đã công bố một phần báo cáo
của Tschirley với báo chí vào mùa thu sau đó, và vào tháng Một năm 1969,
bản báo cáo hoàn chỉnh đã xuất hiện trên tờ “Khoa học” của AAAS. Các kết
luận cơ bản của báo cáo đầy đủ cho thấy rằng những phát hiện của Tschirley
giống với những đánh giá chính thức của Lầu Năm Góc. Bản báo cáo khá
toàn diện, có chú thích đầy đủ, và trên hết là một nghiên cứu sinh học về
chiến tranh diệt cỏ dựa trên các xem xét của Tschirley từ không khí, đất và
nước ở những vùng bị phun nhiều ở miền Nam Việt Nam. Những phát hiện
chính của bản báo cáo được diễn giải như sau:
1. Vì độ ẩm trong không khí cao, nên việc thảm thực vật rộng lớn bị biến
mất sẽ không làm mất độ ẩm trong đất; do đó khả năng các rừng nhiệt đới
biến thành bán hoang mạc hay sa mạc là không thể.
2. Quá trình đất bị đá ong hóa (cứng hóa), dẫn tới xói mòn đất, là một mối
đe dọa thực sự đối với bất kỳ vùng đất nhiệt đới nào bị tiếp xúc với quá
nhiều bức xạ mặt trời và gió - và đây là vấn đề của các khu vực bị khai
quang. Khoảng 30 phần trăm đất ở miền Nam đang gặp phải tình trạng này ở
các mức độ khác nhau.
3. Những vùng đất bị phun thuốc cộng thêm ánh nắng mặt trời rọi xuống
tận nền rừng sau khi ba tán rừng bên trên bị khai quang trở thành khu vực lý
tưởng cho các loài tre, cỏ tranh và các loài xâm lấn khác phát triển. Các loài
chiếm ưu thế khác không thể phát triển được ở vùng đất bị loài xâm lấn hút
sạch chất dinh dưỡng này. Vì vậy, rừng không tái sinh không phải vì bản
thân thuốc diệt cỏ, mà vì các quá trình sinh thái mà thuốc diệt cỏ gây ra.
Điều này xảy ra ở các khu rừng đước và bán rụng lá, khiến cả những loài cỏ
cũng khó tái sinh, điều này gây ra sự hủy hoại triệt để.