Các nhà khoa học cũng ghi nhận tình trạng của các khu rừng rất khác
nhau tùy theo số lần bị phun thuốc. Sau một lần phun đầu, các loài thực vật
chiếm ưu thế vẫn có thể tái tạo khá nhanh, nhưng những lần phun tiếp theo
sẽ làm các cây con bị tổn thương và các cây không khỏe mạnh chết hàng
loạt. Cảnh tượng những vùng đất chết có khi rộng hàng nhiều héc-ta ấy,
không có gì lạ. Xét cho cùng thì mục tiêu của chiến dịch Ranch Hand chính
là làm rụng lá cây. Pfeiffer và Orians cũng phát hiện ra rằng hệ sinh thái ở
những khu vực xung quanh các mục tiêu bị phun thuốc cũng bị tàn phá nặng
nề. Đây là bằng chứng vững chắc chứng minh rằng thuốc diệt cỏ cũng lan
tới các nơi xa hơn địa điểm được cho là có quân giải phóng. Điều này đặc
biệt đúng đối với các đồn điền cao su (một số nằm dọc biên giới
Campuchia). Sản phẩm của đồn điền rất có giá trị nên nó không bị phun
thuốc trực tiếp.
Bản báo cáo cho thấy đánh giá tổng thể về tác động sinh thái của chiến
tranh diệt cỏ không giúp định lượng chính xác (hay chủ quan) tác động của
chiến tranh diệt cỏ. Trong khi Tschirley cũng đã đi tới nhiều địa điểm mà
Pfeiffer và Orians khảo sát, nhưng Tschirley cho rằng chỉ thấy “rất ít” bằng
chứng cho một sự tàn phá lâu dài, còn báo cao sau lại nhận định hậu quả
tổng thể là “vô cùng khủng khiếp”. Các kết luận này dựa trên suy luận
chuyên môn, đánh giá ngắn gọn, và sự tập hợp dữ liệu vội vã, đã được uốn
theo quan điểm riêng của mỗi nhà khoa học.
Đối với Pfeiffer, chuyến đi ngắn ngủi này là một bước tiến tích cực hướng
tới việc tăng cường hợp tác khoa học quốc tế (hình 12). Xét theo nghĩa nào
đó, ông đã đi để trao đổi kiến thức: các nhà khoa học Mỹ biết cấu tạo hóa
học chính xác của các chất diệt cỏ, nhưng rất ít về tác động của chúng đối
với hệ sinh thái. Những đồng nghiệp của họ ở Việt Nam thì lại ngược lại.
Pfeiffer kết luận rằng việc các nhà khoa học trong nước không quan tâm
hoặc liên tục chỉ trích lẫn nhau cũng như chính sách bí mật quân sự của Mỹ
ở nước ngoài là nỗi xấu hổ đối của Mỹ.