Vào ngày mùng 1 tháng Tám, cả đoàn đặt chân tới Sài Gòn, các nhân viên
USAID chờ sẵn để đó. Trong bữa sáng ngày hôm sau, Meselson nhấn mạnh
tính nhạy cảm (và phi chính trị) của nhiệm vụ họ đang làm. Ông nói với cả
đội tránh mọi sự tiếp xúc với các Phật tử phản chiến, “những người âm mưu
lật đổ cánh tả” các nước, và giới báo chí. Là khách của các cơ quan của Mỹ
ở Việt Nam, Meselson muốn HAC tránh xa các hoạt động chống chiến tranh
công khai. Cho dù hoạt động của HAC cũng tính là trên cơ sở phản chiến,
nhưng, Meselson muốn tránh mọi rắc rối có thể cản trở việc điều tra khoa
học. Trong một cuộc họp với Ellsworth Bunker vào 2 ngày sau, Meselson
nhẹ cả người khi nghe thấy ngài đại sứ lặp lại rằng ông rất quan tâm và sẽ hỗ
trợ phái đoàn. Tuy vậy, sự quan tâm của Bunker cũng phải không là chiếc
chìa khóa vàng; các quan chức Mác-vi dù tỏ ra rất thân mật nhưng lại không
cho phép các nhà khoa học có được những thứ giá trị. Các nhà khoa học đã
đề nghị được tham gia một chuyến bay Ranch Hand nhưng bị từ chối. Họ
cũng không thể tiếp cận được các tài liệu Ranch Hand liên quan tới toàn bộ
chương trình, bao gồm nhật ký chuyến bay, loại thuốc diệt cỏ được sử dụng
và nồng độ phun thuốc từng vùng. Các quan chức Mác-vi viện dẫn hàng loạt
quy định khiến không thể phân loại lại tài liệu theo yêu cầu đột xuất. Khó
khăn hơn nữa là các nhà khoa học Việt Nam tuy sẵn lòng giúp đỡ nhưng mù
tịt về những thông tin cơ bản nhất liên quan tới chiến tranh diệt cỏ.
Các nhà khoa học đã không thể lấy được các tài liệu quân sự của chiến
dịch Ranch Hand. Tuy vậy, các cơ quan chính phủ (của miền Nam Việt Nam
và Mỹ, bao gồm cả hãng hàng không Air America) đã tận tình giúp đỡ với
việc hỗ trợ việc di chuyển của họ, đồng thời viết những bức thư giới thiệu và
cho những lời khuyên vô giá về cách tìm đường ở những khu vực bị chiến
tranh tàn phá. Với máy bay, trực thăng, xe jeep và tàu tuần tra, trong tháng
sau đó, các nhà khoa học đã khảo sát hầu như toàn bộ những khu vực chính
bị phun thuốc (hình 13).